Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh

    Một là, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng của nền kinh tế. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, trên cơ sở khoa học - công nghệ, ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ sau thép, dịch vụ cảng biển và logistics; tạo điều kiện triển khai giai đoạn 2 Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II, phát triển điện khí, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối và các ngành công nghiệp tiềm năng.

    Hai là, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất sạch, công nghệ cao, hàng hóa lớn trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, ven biển, rừng tự nhiên để tăng khả năng chống chịu biến đổi khí hậu. Khai thác, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, công nghệ cao. Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, dịch vụ nghề cá, gắn với phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

    Ba là, phát triển đa dạng các ngành dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng Vũng Áng, đưa cảng Vũng Áng-Sơn Dương trở thành cảng vận chuyển quốc tế lớn của vùng Bắc Trung bộ. Quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch, nhất là du lịch biển, hình thành các đô thị du lịch khu vực, kết nối các di tích văn hóa, lịch sử.

    Bốn là, tiếp tục thực hiện thoái vốn Nhà nước, cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác xã hoặc chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp.

    Năm là, triển khai đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn với phát triển đô thị và giảm nghèo bền vững. Coi phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, bảo tồn các giá trị văn hóa là trọng tâm của xây dựng nông thôn mới. Thực hiện toàn diện các tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí tỉnh nông thôn mới theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nâng cao chất lượng các công trình phúc lợi nông thôn. Đẩy mạnh phong trào xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu; huy động nguồn lực đầu tư, lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án,, đảm bảo an sinh xã hội.

    Sáu là, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, các quy hoạch xây dựng, đô thị, nông thôn. Tập trung huy động nguồn lực phát triển các đô thị động lực, gắn phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới, từng bước xây dựng các đô thị thông minh. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, xử lý triệt để các cơ sở, các điểm gây ô nhiễm, xây dựng đồng bộ hệ thống xử lý chất thải theo hướng công nghệ hiện đại, tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng từ chất thải. Nâng cao năng lực chống chịu, chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

    Bảy là, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ. Tập trung huy động nguồn lực xây dựng các tuyến giao thông trọng yếu như quốc lộ ven biển, đường bộ cao tốc Bắc- Nam đoạn Bãi Vọt-Vũng Áng, các trục ngang theo hướng Đông -Tây, hạ tầng Khu Kinh tế Vũng Áng, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị, hạ tầng số, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, liên kết nông thôn mới với đô thị các vùng. Đẩy mạnh huy động xã hội hóa nguồn lực đầu tư hạ tầng văn hóa, giáo dục, y tế.

    Tám là, phát triển khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của khoa học-công nghệ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, giá trị sản phẩm, nhất là các sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, thực hiện tốt phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh trung học cơ sở, phổ thông công lập. Thực hiện hiệu quả các chính sách đào tạo nguồn nhân lực, ưu tiên đào tạo lao động phục vụ các ngành kinh tế kỹ thuật, kinh tế số, lao động nông thôn mới, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách thu hút nhân lực trình độ cao.

    Chín là, phát triển văn hóa  -thông tin, thể thao. Chú trọng đầu tư lĩnh vực văn hóa, xây dựng và khơi dậy các giá trị chuẩn mực của con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới. Nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; bảo tồn, phát huy tốt giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là giá trị các di sản văn hóa được UNESCO vinh danh. Phát triển phong trào thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao ở những môn có thể mạnh. Chú trọng công tác quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, xuất bản, thông tin, bưu chính-viễn thông, phát thanh, truyền hình; tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực viễn thông và Internet, an ninh mạng và an toàn thông tin.

    Mười là, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Triển khai đồng bộ và thực hiện tốt các chế độ, chính sách xã hội, tập trung cho mục tiêu giảm nghèo bền vững; quan tâm, chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công và đối tượng yếu thế. Nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh các tuyến, đặc biệt tuyến cơ sở; tiếp tục phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh, thực hiện tốt công tác chỉ đạo tuyến, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp, kiểm soát tốt dịch bệnh, không để lây lan diện rộng. Quan tâm thực hiện chính sách dân số, nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo mức tăng dân số hợp lý và cân bằng giới tính khi sinh.

    Mười một là, thực hiện hiệu quả chiến lược bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo an ninh quốc gia trong tình hình mới. Phát triển kinh tế-xã hội kết hợp chặt chẽ với củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Chú trọng phát triển kinh tế-xã hội vùng sâu, vùng xa, địa bàn biên giới gắn với xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững mạnh toàn diện; xây dựng cơ sở an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn âm mưu “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch. Nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng quân sự, công an, biên phòng; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, công an xã, lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở vững mạnh, gắn bó mật thiết với Nhân dân; phát huy sức mạnh toàn dân, toàn diện, không để bị động, bất ngờ, xảy ra điểm nóng.

    Mười hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Tiếp tục kiện toàn, tinh giản tổ chức bộ máy chính quyền các cấp. Thực hiện hiệu quả chiến lược cải cách tư pháp, chú trọng công tác phối hợp giữa các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Quan tâm công tác tiếp công dân; tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm đơn thư khiếu nại, tổ cáo của công dân ngay tại cơ sở.

    Mười ba là, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Tiếp tục củng cố, phát triển quan hệ hợp tác với các địa phương của Lào; mở rộng và thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước, các địa phương của các nước, các tổ chức, tập đoàn kinh tế, định chế tài chính lớn trong khu vực và thế giới, các cơ quan đại diện ngoại giao để tăng cường hội nhập quốc tế, thu hút thương mại, đầu tư vào địa bàn tỉnh. Tích cực vận động nguồn vốn ODA đầu tư kết cấu hạ tầng; tranh thủ nguồn vốn NGO cho các lĩnh vực y tế, giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; hợp tác quốc tế về giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, du lịch…Đổi mới phương thức tuyên truyền, thông tin đối ngoại nhằm quảng bá hình ảnh và con người Hà Tĩnh đến với bạn bè trong nước, quốc tế và kiều bào ở nước ngoài.

    Nói tóm lại, Nghị quyết này được ban hành nhằm mục tiêu: Xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, văn hóa phát triển, xã hội tiến bộ, quốc phòng-an ninh đảm bảo, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ; cải thiện toàn diện đời sống Nhân dân; đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân các tỉnh Bắc Trung bộ.

Để góp phần thực hiện tốt Nghị quyết này, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình tuyên truyền bằng hình thức phù hợp, trong đó cần chú trọng tuyền truyền, phổ biến Nghị quyết trên Cổng (trang thông tin điện tử), nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh./.

-Hoa Phượng, Sở Tư pháp

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN