Một số nội dung đáng chú ý của Nghị định số 87/2020/NĐ-CP

        Ngày 28/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến, có hiệu lực vào ngày 15/9/2020 và có nhiều nội dung đáng chú ý.

          Về trách nhiệm cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử

          Khi nhận được giấy tờ hộ tịch hoặc nhận được thông tin thông qua hệ thống điện tử về việc biến động thông tin hộ tịch của cá nhân và của cha, mẹ, vợ hoặc chồng của cá nhân mà những thông tin này chưa được cập nhật thì cơ quan đăng ký hộ tịch cập nhật thông tin vào Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, ghi chú thông tin hộ tịch có biến động vào Sổ hộ tịch tương ứng ngay trong ngày làm việc hoặc ngày làm việc tiếp theo nếu nhận thông tin/giấy tờ sau 15h00.

          Về quyền khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử

        Cơ quan, tổ chức có yêu cầu cung cấp thông tin hộ tịch từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để phục vụ quản lý nhà nước thì gửi yêu cầu tới cơ quan có thẩm quyền gồm Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Sở Tư pháp, phòng Tư pháp.

        Cá nhân có yêu cầu khai thác thông tin hộ tịch của mình trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử thì gửi yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, xác nhận thông tin hộ tịch tới cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch có thẩm quyền và phải trả phí theo quy định pháp luật.

        Việc cấp bản sao trích lục hộ tịch được cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện theo yêu cầu của cá nhân, không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký việc hộ tịch và nơi cư trú của người có yêu cầu.

        Về việc chuyển lưu Sổ hộ tịch

        Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, cơ quan đăng ký hộ tịch không còn phải thực hiện việc chứng thực 01 bản sao Sổ hộ tịch để chuyển lưu tại cơ quan quản lý hộ tịch cấp trên trực tiếp như trước nữa. Các Sổ hộ tịch đang sử dụng được sử dụng cho các năm đăng ký tiếp theo cho đến khi hết sổ. Khi hết sổ mà chưa hết năm, công chức làm công tác hộ tịch thực hiện việc khóa sổ theo quy định của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch. Các Sổ hộ tịch đã mở trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì vẫn được khóa sổ khi hết sổ, chứng thực bản sao và chuyển lưu.

        Về đăng ký hộ tịch trực tuyến

        Nghị định quy định về việc đăng ký hộ tịch trực tuyến. Theo đó, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh để đăng ký tài khoản, xác thực người dùng theo hướng dẫn. Sau khi đăng nhập tài khoản thành công, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến cung cấp thông tin theo biểu mẫu điện tử tương tác, đính kèm bản chụp hoặc bản sao điện từ các giấy tờ, tài liệu theo quy định; nộp phí, lệ phí thông qua chức năng thanh toán trực tuyến hoặc bằng cách thức khác theo quy định pháp luật. Việc đăng ký hộ tịch trực tuyến này được thực hiện tương ứng theo như quy định của Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

        Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để đăng ký hộ tịch trực tuyến sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định về phạm vi, mức độ và thời điểm triển khai tùy theo điều kiện cơ sở hạ tầng thông tin của địa phương.

        Mặt khác, Nghị định cũng quy định biểu mẫu điện tử giấy tờ hộ tịch do Bộ Tư pháp ban hành, cung cấp thông tin hộ tịch hoặc nguồn tra cứu thông tin hộ tịch của cá nhân, có giá trị như giấy tờ hộ tịch. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chấp nhận, sử dụng, không được yêu cầu cá nhân phải nộp hoặc xuất trình giấy tờ hộ tịch để đối chiếu.

        Sau khi Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành, sử dụng thống nhất trên toàn quốc, cơ quan thực hiện thủ tục hành chính có trách nhiệm kết nối với các Cơ sở dữ liệu này để xác định tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính, không được yêu cầu nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

        Ngoài các nội dung trên đây, Nghị định số 87/2020/NĐ-CP cũng còn nhiều nội dung quan trọng khác, như trách nhiệm của các cơ quan quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, thống kê số liệu đăng ký hộ tịch,…Thời gian tới để góp phần thực hiện hiệu quả Nghị định này, đòi hỏi Ủy ban nhân dân các cấp phải triển khai việc số hoá, quản lý, khai thác dữ liệu hộ tịch từ sổ giấy; chuyển đổi và chuẩn hóa dữ liệu từ các phần mềm đăng ký hộ tịch điện tử của địa phương đã triển khai thực hiện trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và cập nhật Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp./.

                                                                                                         Kim Lân

 TIN TỨC LIÊN QUAN