Một số nội dung nổi bật tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ

        Theo kết quả tổng hợp của Bộ Tư pháp thì các hành vi vi phạm hành chính diễn ra trên toàn quốc ngày càng phức tạp, một số đối tượng sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi vi phạm, trong khi đó Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện ban hành từ năm 2013 đến nay có nhiều nội dung không còn phù hợp, một số hành vi chưa được Nghị định điều chỉnh, do đó chưa có căn cứ để xử phạt. Chính vì vậy ngày 03/2/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nghị định này bãi bỏ Nghị định số 174/2013/NĐ-CP và Điều 2 Nghị định số 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

        So với Nghị định số 174/2013/NĐ-CP, Nghị định lần này đã bổ sung và quy định rõ hơn về một số nội dung tại phần quy định chung như: đối tượng bị xử phạt, hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả, mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực.

        Tại các chương quy định chi tiết đã bổ sung thêm một số hành vi và hình thức xử phạt cụ thể như:

        Trong lĩnh vực viễn thông, internet: bổ sung hình thức xử phạt bổ sung về Tước quyền sử dụng Giấy phép đối với một số hành vi vi phạm. Ngoài ra Nghị định bổ sung một số hành vi vi phạm mới như  vi phạm các quy định về chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số; Vi phạm về quy hoạch, quy định về quản lý và sử dụng kho số viễn thông; Vi phạm các quy định về đăng ký và cấp phát tên miền chung mới cấp cao nhất (NewgTLD); Vi phạm các quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng tài nguyên Internet, đấu giá quyền sử dụng tài nguyên Internet

        Trong lĩnh vực công nghệ thông tin: bổ sung các hành vi vi phạm mới như: Vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân; về cập nhật, sửa đổi và hủy bỏ thông tin cá nhân; về bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng; về biện pháp giám sát an toàn, bảo vệ hệ thống thông tin; về bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin quan trọng quốc gia; về ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng; về bảo đảm an toàn tài nguyên viễn thông; về kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; về nhập khẩu sản phẩm an toàn thông tin mạng; về cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội.

        Trong lĩnh vực giao dịch điện tử bổ sung hành vi vi phạm quy định về phí, lệ phí.

        Về hình thức xử phạt tiền, Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực bưu chính và giao dịch điện tử đối với cá nhân là 40.000.000 đồng; mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vựcviễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin đối với cá nhân là 100.000.000 đồng.Tùy vào tính chất mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.

        Trong các hành vi vi phạm được quy định tại Nghị định, đáng chú ý là các hành vi vi phạm cụ thể mà người sử dụng có thể bị vi phạm như:

        Tại điều 35 quy định về vi phạm các quy định về điểm truy nhập Internet công cộng: Cá nhân có hành vi tổ chức hoặc cho phép người sử dụng Internet sử dụng tính năng của máy tính tại địa điểm kinh doanh của mình để thực hiện hành vi bị cấm theo quy định về sử dụng Internet và thông tin trên mạng bị phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 5.000.000 đồng

        Tại điều 45 quy định về vi phạm các quy định về cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền Internet, đáng chú ý là các hành vi cung cấp thông tin không chính xác với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến tên miền do mình quản lý bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân; Không cung cấp thông tin hoặc không phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến tên miền do mình quản lý; Không thực hiện ngừng dịch vụ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với tên miền quốc tế vi phạm sẽ bị phạt tiền từ25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với cá nhân.

        Tại Điều 99 quy định về vi phạm quy định về trang thông tin điện tử thìcá nhân cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung vi phạm quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

        Đáng chú ý là Nghị định bổ sung một điều mới quy định về vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội được quy định tại Điều 101, theo đó, cá nhân lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng, đồng thời phải thực hiện biện pháp buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.

        Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020./.

 TIN TỨC LIÊN QUAN