Một số quy định của pháp luật về cách ly y tế đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A

        Cách ly y tế là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.

          Đối tượng phải cách ly y tế

          Theo quy định tại Điều 49 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch phải được cách ly.

          Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế được thực hiện trong trường hợp đối tượng thuộc diện phải áp dụng biện pháp cách ly y tế không tuân thủ yêu cầu cách ly y tế của người có thẩm quyền.

          Hình thức cách ly y tế

          Hình thức cách ly tại nhà được áp dụng đối với người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch đang lưu trú tại vùng có bệnh dịch; Người xuất phát hoặc đi qua vùng có bệnh dịch và người tiếp xúc với người mắc bệnh dịch.

          Hình thức cách ly tại tại cơ sở y tế được áp dụng đối với người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch đang khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế; Người mắc dịch bệnh đang lưu trú tại vùng có bệnh dịch và người đang bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà, tại cửa khẩu nhưng có dấu hiệu tiến triển thành mắc bệnh truyền nhiễm.

          Hình thức cách ly y tế tại cửa khẩu được áp dụng đối với người, phương tiện, hàng hóa xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh Việt Nam có khai báo của chủ phương tiện vận tải hoặc có bằng chứng rõ ràng cho thấy trên phương tiện vận tải, người, hàng hóa có dấu hiệu mang mầm bệnh dịch; Người xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam.

          Hình thức cách ly y tế tại các cơ sở, địa điểm khác áp dụng đối với các trường hợp số lượng người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh Việt Nam vượt quá khả năng tiếp nhận cách ly của cửa khẩu hoặc số lượng người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá khả năng tiếp nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có dịch.

          Nghĩa vụ của người cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế

          Trong thời gian áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế không được tiếp xúc trực tiếp với người thân hoặc ra khỏi khu vực cách ly trừ các trường hợp phải chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.

          Chế độ đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế

          Theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 32/2012/TT-BTC ngày 29/02/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ, quản lý và sử dụng kinh phí đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, chế độ đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được quy định như sau:

          -  Được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định hiện hành.

          - Được cấp không thu tiền: nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế theo định mức quy định.

          - Được miễn chi phí di chuyển từ nhà, từ cơ sở, địa điểm phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế hoặc từ cơ sở cách ly y tế này đến cơ sở cách ly y tế khác.

          -  Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tử vong thì được miễn chi phí cho việc bảo quản, quàn ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Mức chi theo thực tế phát sinh trên cơ sở hoá đơn, chứng từ hợp lệ.

          -  Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được cơ sở thực hiện cách ly y tế cung cấp bữa ăn theo yêu cầu, phù hợp với khả năng của cơ sở thực hiện cách ly y tế. Chi phí tiền ăn do người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tự chi trả. Trường hợp người bị cách ly y tế là người thuộc hộ nghèo theo quy định thì được hỗ trợ tiền ăn theo mức 40.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly y tế.

          - Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được cơ sở thực hiện cách ly y tế cấp giấy chứng nhận thời gian thực hiện cách ly y tế để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định.

          Xử lý vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế

          Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

          -  Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

          - Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

          Bên cạnh đó, tại Điều 240 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội  làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người như sau:

          “1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

          a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

          b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

          c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

          2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

          a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

          b) Làm chết người.

          3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

          a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

          b) Làm chết 02 người trở lên.

          4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”

          Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, tuy nhiên có một số cá nhân chưa tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về cách ly y tế. Để góp phần chung tay phòng, chống dịch bệnh này cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm nói chung và cách ly y tế nói riêng để Nhân dân được biết, đồng thời tích cực vận động Nhân dân tự giác chấp hành để hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh./.

                                                                                              Thiều Chiên

 TIN TỨC LIÊN QUAN