Một số quy định của pháp luật vể quản tài viên
Theo quy định của pháp luật, Quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý và thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản. Người được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên đó là: Luật sư; Kiểm toán viên; Người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 05 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo. Điều kiện được hành nghề Quản tài viên, ngoài các quy định chung như: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan, thì người muốn hành nghề Quản tài viên còn phải có chứng chỉ hành nghề quản tài viên, chứng chỉ này do Bộ Tư pháp cấp.
Pháp luật cũng quy định những trường hợp cá nhân không được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản đó là: cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Quản tài viên hành nghề bằng các hình thức: Hành nghề với tư cách cá nhân và hành nghề trong các doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bằng việc thành lập hoặc tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng cho doanh nghiệp quản lý và thanh lý tài sản.
Luật Phá sản năm 2014 quy định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có quyền và nghĩa vụ như: Quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; Đại diện cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không có người đại diện theo quy định của pháp luật; Báo cáo về tình trạng tài sản, công nợ và hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tham gia xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; Đề nghị Thẩm phán tiến hành các công việc: Thu thập tài liệu chứng cứ; Tuyên bố giao dịch vô hiệu và quyết định thu hồi tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị bán hoặc chuyển giao bất hợp pháp; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; áp dụng biện pháp xử phạt hành chính; chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Tại tỉnh ta, đến nay mới chỉ có 02 cá nhân được cấp chứng chỉ Quản tài viên, mong rằng, trong thời gian tới nghề Quản tài viên sẽ phát triển ở Hà Tĩnh, góp phần thực hiện nghiêm túc quy định của Pháp luật về quản lý, thanh lý tài sản trên địa bàn tỉnh./.
Trần Thị Thúy Vinh