Một số quy định về quản lý giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm của gia súc gia cầm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Văn bản này có hiệu lực kể từ ngày 27/11/2016, gồm các quy định: Phạm vi và đối tượng áp dụng; Điều kiện để gia súc, gia cầm trước khi đưa vào giết mổ; Về cơ sở hạ tầng cơ sở giết mổ tập trung; Quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động giết mổ; Quy định vệ sinh thú y; Quy trình kiểm soát giết mổ; Trách nhiệm của chủ cơ sở giết mổ và những người trực tiếp tham gia hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm; Vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm; Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và tổ chức thực hiện. Để góp phần tuyên truyền, phổ biến văn bản này đến với cán bộ và Nhân dân, tôi xin giới thiệu một số nội dung cơ bản của Quyết định.

Về phạm vi và đối tượng áp dụng thì được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm của gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Về điều kiện gia súc, gia cầm trước khi đưa vào giết mổ phải đảm bảo các quy định như sau: Việc giết mổ gia súc, gia cầm để kinh doanh phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ tập trung đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y, được cơ quan thú y có thẩm quyền thực hiện kiểm soát trước và sau giết mổ; Cán bộ Thú y phải trực tiếp thực hiện kiểm soát giết mổ, đóng dấu kiểm soát giết mổ và thu phí, lệ phí tại cơ sở giết mổ tập trung; Gia súc, gia cầm đem giết mổ phải đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y và đáp ứng các yêu cầu theo quy định (Gia súc, gia cầm không bị dịch bệnh và phải có giấy chứng nhận kiểm dịch hợp lệ theo quy định hoặc giấy chứng nhận tiêm phòng và có xác nhận của cán bộ thú y cấp xã tại nơi chăn nuôi không có dịch bệnh xảy ra; Đảm bảo đủ thời gian dừng sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất; Phải được đưa đến cơ sở giết mổ (tối thiểu 6 giờ) trước khi giết mổ. Quy định như vậy nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với gia súc, gia cầm trước khi đưa vào giết mổ và góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân.

 

Về trách nhiệm của chủ cơ sở giết mổ và những người trực tiếp tham gia hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm được quy định rất cụ thể. Theo đó, đối với chủ cơ sở giết mổ thì “Phải có giấy chứng nhận đăng ký Doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; Phải đăng ký kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y với cơ quan thú y có thẩm quyền theo quy định; Xây dựng cơ sở giết mổ đảm bảo điều kiện theo quy định; Chấp hành sự kiểm tra và xử lý kỹ thuật đối với gia súc, gia cầm mắc bệnh và sản phẩm gia súc, gia cầm kém chất lượng; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của chính quyền và cơ quan Thú y; Đối với cơ sở xây dựng mới thuộc đối tượng phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường thì được Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, cấp giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án trước khi đưa cơ sở vào vận hành chính thức; Điều hành hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm theo đúng quy định và chấp hành sự hướng dẫn của nhân viên thú y làm nhiệm vụ kiểm soát giết mổ tại cơ sở; Chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm về hoạt động của các cá nhân làm việc tại cơ sở giết mổ; phải bố trí một người chịu trách nhiệm về vệ sinh thú y bảo đảm an toàn thực phẩm trong hoạt động giết mổ; xây dựng nội quy và chỉ cho phép những cá nhân đủ điều kiện; Mọi thủ tục và hoạt động liên quan đến sản xuất phải được ghi chép và lưu tại cơ sở giết mổ; Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến đóng thuế, nộp phí, lệ phí đối với hoạt động giết mổ tại cơ sở, phí kiểm tra vệ sinh thú y định kỳ và các loại phí phát sinh khác theo quy định của pháp luật hiện hành”. Đối với những người trực tiếp tham gia hoạt động giết mổ tại cơ sở (gồm công nhân, người phụ giúp công việc) thì phải đảm bảo các quy định như sau: Phải có sức khỏe và có giấy khám sức khỏe định kỳ 06 tháng/lần của cơ quan Y tế đủ thẩm quyền cấp theo quy định; Phải vệ sinh cá nhân và mặc trang phục  bảo hộ lao động (quần áo, ủng, khẩu trang, mũ), bảo hộ lao động được làm sạch trước và sau mỗi ca giết mổ; Không được ăn  uống, hút thuốc, khác nhổ trong khu vực giết mổ; Không được mang thực phẩm vào khu vực giết mổ; Rửa tay bằng xà phòng trước khi giết mổ, sau khi tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với những vật liệu bị ô nhiễm; Phải có giấy xác nhận kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định; Tuân thủ nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định khác của pháp luật liên quan trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm; phối hợp với chủ cơ sở để xây dựng nội quy.

 

Về trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan. Quyết định quy định các Sở, ngành có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc đơn vị mình phụ trách nhằm đảm bảo hiệu quả.

 

Về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã thì Quyết định quy định như sau: Chịu trách nhiệm toàn diện về thực hiện các quy định quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm của gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý; Tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền, vận động các chủ cơ sở giết mổ, người kinh doanh vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm của gia súc, gia cầm phải đăng ký kinh doanh, kinh doanh đúng nội dung đăng ký và chấp hành nghiêm túc các quy định về giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm của gia súc, gia cầm; Căn cứ sản lượng gia súc, gia cầm, dân số, nhu cầu sử dụng và tiêu thụ trên địa bàn để quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung; tổ chức hướng dẫn hoạt động giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung; xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường đơn giản; Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với các tổ chức cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm (thủ tục, địa điểm, đất đai, kinh phí, thuế…); Chỉ đạo chủ cơ sở cải tạo, sữa chữa, nâng cấp, mở rộng quy mô cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung phù hợp quy hoạch, kế hoạch và đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; Cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho các cơ sở giết mổ, kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm theo quy định.

Quyết định này cũng quy định Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm: Kiểm tra, rà soát, đưa tất cả người hành nghề giết mổ vào cơ sở  giết mổ tập trung, để xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y trên địa bàn; Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác kiểm soát giết mổ, kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác quản lý giết mổ trên địa bàn.

Nói tóm lại, việc ban hành Văn bản này sẽ giúp cho cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh tốt hơn. Để Quy định này sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả trên thực tế theo chúng tôi cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tập trung tuyên truyền, vận động, phổ biến Quy định này đến cán bộ và người dân bằng nhiều hình thức khác nhau; Các cơ quan nhà nước, đơn vị và cá nhân có thẩm quyền cần thực hiện kịp thời và hiệu quả nhiệm vụ được giao, đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và giám sát các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc; Biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời thực hiện nghiêm việc xử lý vi phạm theo quy định…nhằm góp phần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh./.   

Hoa Phượng

 TIN TỨC LIÊN QUAN