Một số tồn tại trong công tác lấy ý kiến góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

Điều 129 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) năm 2015 quy định: “Cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Thực hiện quy định này, thời gian qua, các cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo văn bản QPPL đã triển khai lấy ý kiến với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Đăng tải trên trang thông tin điện tử; một số dự thảo được đăng trên các số báo; tổ chức điều tra xã hội học qua phiếu khảo sát; trong đó phổ biến nhất là hình thức tổ chức hội nghị hoặc lấy ý kiến bằng văn bản. Qua đó đã thu thập được thông tin một cách đa chiều rộng rãi, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng văn bản QPPL.

Tuy nhiên, qua thực tiễn nghiên cứu và tham gia xây dựng văn bản QPPL tại địa phương, cá nhân tôi nhận thấy việc tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật còn một số tồn tại như:

Về cách thức tổ chức lấy ý kiến: Việc lãnh đạo, chỉ đạo của một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quyết liệt, do đó khi tổ chức lấy ý kiến các cơ quan soạn thảo phần lớn không nhấn mạnh nội dung trọng tâm của văn bản cần được lấy ý kiến. Việc gửi toàn bộ dự thảo với những gợi ý chung chung đến các đối tượng sẽ không giải quyết được vấn đề trọng tâm, trọng điểm dẫn đến các góp ý lan man, hiệu quả không cao. Đồng thời, chưa chú trọng đến lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản dẫn đến văn bản khi ban hành không đảm bảo được tính khả thi, nhận được nhiều luồng kiến nghị, phản ánh của các đối tượng liên quan. Chưa có cơ chế ràng buộc đối với quy định tiếp thu ý kiến góp ý, do đó phần lớn giai đoạn này phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người soạn thảo.

Sự quan tâm của đối tượng được lấy ý kiến góp ý: Mặc dù trình độ dân trí ngày càng tăng nên nhận thức của người dân, doanh nghiệp về việc tham gia vào công tác xây dựng văn bản đã từng bước được nâng lên nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định. Đối với các doanh nghiệp phần lớn chỉ tập trung vào những quy định có liên quan đến lợi ích của mình, trong một số trường hợp chính sách thay đổi sẽ gây bất lợi nên các doanh nghiệp muốn giữ lại các quy định cũ để bảo vệ lợi ích của mình. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh chưa phát huy được vai trò là tổ chức đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp, bên cạnh đó hạn chế về năng lực, kiến thức pháp luật nên mức độ tham gia còn ít.

Hiện nay ở Hà Tĩnh, hình thức tổ chức lấy ý kiến của người dân đối với dự thảo văn bản QPPL do UBND cấp tỉnh ban hành chủ yếu được đăng tải trên trang (cổng) thông tin điện tử, trong khi đó chỉ một bộ phận người dân có điều kiện tiếp cận qua kênh này. Do đó sự tham gia của người dân đối với các dự thảo văn bản còn hạn chế. Đối với các cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến, thông thường vì áp lực của thời hạn góp ý, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành nên việc tổ chức lấy ý kiến trong cơ quan chưa thực hiện rộng rãi.

Về phát huy dân chủ trong xây dựng pháp luật: Việc huy động trí tuệ các đối tượng khác nhau trong xã hội (đặc biệt là các “chuyên gia”) cũng như việc phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của người dân đối với các cơ quan, tổ chức trong quá trình thi hành pháp luật chưa được đảm bảo dẫn đến hiệu quả chưa cao. Quá trình thực thi công vụ các cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền chưa thực sự quan tâm đến ý kiến của người dân đối với  kết quả thi hành pháp luật. Mặt khác, từ phía xã hội người dân và các tổ chức chưa phát huy được vai trò giám sát của mình đối với quá trình thi hành pháp luật của các cơ quan Nhà nước.

Về phía cơ quan Nhà nước vẫn còn tình trạng việc thực hiện lấy ý kiến của đối tượng tác động văn bản mang tính hình thức, một số đơn vị không có phản hồi đối với dự thảo được lấy ý kiến, các ý kiến góp ý hầu hết là nhất trí với dự thảo hoặc chỉ góp ý về kỹ thuật trình bày (lỗi chính tả) chứ chưa thực sự quan tâm đến quy định của dự thảo có phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, có đáp ứng yêu cầu quản lý thực tế hay không. Một số cơ quan nếu dự thảo không giao trách nhiệm thực hiện cụ thể liên quan đến đơn vị mình thì không nghiên cứu kỹ mà chỉ gửi văn bản nhất trí như dự thảo.

Vẫn còn tình trạng chưa tuân thủ đúng quy định về thời gian và hồ sơ lấy ý kiến góp ý: Theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL thì trong trường hợp lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp thì cơ quan lấy ý kiến có trách nhiệm xác định những vấn đề cần lấy ý kiến và bảo đảm ít nhất là 30 ngày kể từ ngày tổ chức lấy ý kiến để các đối tượng được lấy ý kiến góp ý vào dự thảo văn bản, cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo văn bản. Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị tham mưu xây dựng dự thảo không tuân thủ quy định trên mặc dù dự thảo quy định nhiều vấn đề liên quan đến nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Hồ sơ, tài liệu gửi lấy ý kiến của một số dự thảo không đầy đủ, thậm chí sơ sài, thiếu các thông tin cần thiết. Bên cạnh đó, việc tiếp thu và phản hồi ý kiến của cơ quan soạn thảo vẫn còn tình trạng chưa nghiêm túc, chưa thực sự quan tâm đến ý chí và nguyện vọng của người dân.

Từ những tồn tại trên, trong thời gian tới cần chú trọng và nâng cao chất lượng hoạt động lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp và các đối tượng liên quan của các quy định trong các dự thảo văn bản QPPL; đa dạng hóa cách thức tổ chức lấy ý kiến góp ý; tăng cường hoạt động tham vấn, huy động sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, thực sự cầu thị trong việc tiếp thu những ý kiến góp ý, thẩm định để nâng cao chất lượng văn bản QPPL. Quan tâm đặc biệt chất lượng và tiến độ của công tác góp ý kiến tham gia đối với các dự thảo văn bản QPPL theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là đối với nội dung có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, địa phương./.

Thanh Hoa

 TIN TỨC LIÊN QUAN