Một số vấn đề liên quan đến quy định về khiếu nại và tố cáo

        Khiếu nại nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Còn tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

T        rước đây hoạt động khiếu nại, tố cáo chịu sự điều chỉnh của Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo năm 2004 và 2005. Tuy nhiên, đến năm 2011 Luật này tách riêng thành 02 Luật đó là Luật khiếu nại và Luật Tố cáo. Mặc dù đây là 02 vấn đề chịu sự điều chỉnh của 02 Luật khác nhau nêu trên, tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc phân định giữa khiếu nại và tố cáo là công việc không hề đơn giản, nhiều người vẫn nhầm lẫn chưa phân biệt được hai vấn đề này.

          Về chủ thể có quyền thực hiện, đối với khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức thực hiện quyền khiếu nại. Còn đối với tố cáo là cá nhân thực hiện việc tố cáo. Như vậy, điểm khác biệt so với khiếu nại thì đối với tố cáo là chỉ do cá nhân thực hiện mà không phải là tố chức.

          Đối tượng bị khiếu nại, tố cáo

        Theo quy định thì đối tượng bị khiếu nại đó là quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị khiếu nạị. Còn đối tượng bị tố cáo là hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

Về mục đích

        Hoạt động khiếu nại nhằm bảo vệ hoặc khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, trong khi đó mục đích của tố cáo là bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tuy nhiên, cũng có một số trường hợp nhằm bảo vệ quyền lợi của chính bản thân người tố cáo.

          Về thời hiệu

        Đối với khiếu nại thì thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại. Tố cáo không quy định vì nó phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người tố cáo.

        Về việc rút đơn khiếu nại, tố cáo

        Người khiếu nại có thể rút khiếu nại tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại. Cơ quan nhà nước đình chỉ việc giải quyết khi người khiếu nại rút đơn.

        Còn Người tố cáo chỉ có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Cơ quan Nhà nước vẫn tiếp tục giải quyết vụ việc tố cáo nếu có căn cứ cho rằng hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hoặc người tố cáo bị uy hiếp, mua chuộc./.

                        Hải Giang

 

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN