Một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Thanh tra

        Luật Thanh tra đã được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2011. Qua gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, nâng cao quả quản lý nhà nước và công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, Luật Thanh tra cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, không còn đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Cụ thể như: Địa vị pháp lý, tính độc lập của cơ quan thanh tra và người đứng đầu cơ quan thanh tra nhà nước trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước còn hạn chế, chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao; các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thanh tra thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu tính pháp quyền; không đề cao trách nhiệm của cơ quan thanh tra và cán bộ thanh tra...

        Trên cơ sở những chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển ngành Thanh tra, yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và nhu cầu khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra hiện nay, việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra hiện hành là cần thiết nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

        Dự thảo Luật Thanh tra lần này đã cụ thể hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về tổ chức, hoạt động của các cơ quan Thanh tra nhà nước, kế thừa những điểm còn phù hợp và khắc phục những hạn chế, bất cập thực hiện Luật Thanh tra năm 2010 như: Phân định rõ hoạt động thanh tra và kiểm tra; quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và thẩm quyền tổ chức thực hiện hoạt động thanh tra của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh; quy định mang tính nguyên tắc như tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra theo nhóm các cơ quan có đặc điểm chung; hoàn thiện các quy định pháp luật về thanh tra và việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, ngành thanh tra hướng tới xây dựng đội ngũ công chức thanh tra chính quy, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thanh tra, đồng thời phục vụ tốt yêu cầu quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý nhà nước…Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, còn một số vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa để hoàn thiện dự thảo trước khi thông qua:

        Thứ nhất, về sự thống nhất giữa nội dung với phạm vi điều chỉnh

        Điều 1 quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật gồm “tổ chức, hoạt động thanh tra của các cơ quan hành chính nhà nước, của các cơ quan khác của nhà nước”. Tuy nhiên,  tại Mục 2 Chương I dự thảo lại quy định về phân định hoạt động thanh tra và kiểm tra; thẩm quyền, trách nhiệm tổ chức hoạt động kiểm tra. Do đó, đề nghị xem xét không đưa nội dung về kiểm tra vào dự thảo, trường hợp xét thấy cần thiết, đề nghị chỉnh sửa theo hướng bổ sung các nội dung liên quan đến hoạt động kiểm tra vào phạm vi điều chỉnh.

        Thứ hai, quy định về Tổng Thanh tra Chính phủ

        Đề nghị xem xét bỏ nội dung quy định Tổng Thanh tra Chính phủ có quyền trình cấp có thẩm quyền ban hành Định hướng hoạt động thanh tra hằng năm tại điểm a khoản 3 Điều 18 vì nội dung này đã được xác định là một nhiệm vụ của Tổng Thanh tra Chính phủ tại điểm c khoản 2.

        Điểm h khoản 3 Điều 18 quy định Tổng Thanh tra Chính phủ “yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hủy bỏ quy định do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành trái pháp luật…;trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh không hủy bỏ thì đình chỉ việc thi hành và đề nghị Thủ tướng Chính phủ hủy bỏ quy định trái pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh”. Như vậy, cùng một nội dung nhưng quy định trên chưa có thống nhất về đối tượng được hủy bỏ, đề nghị hủy bỏ là quy định trái pháp luật của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hay của Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đề nghị chỉnh sửa sao cho phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản pháp luật liên quan.

        Thứ ba, về vị trí, chức năng của thanh tra sở

        Khoản 3 Điều 31 quy định Thanh tra Sở được thành lập trong 13 lĩnh vực (trừ lĩnh vực tư pháp, ngoại vụ, xây dựng), đối với các cơ quan chuyên môn khác của UBND tỉnh do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Chủ tịch UBND sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra Chính phủ.

        Tuy nhiên, việc dự thảo không quy định thành lập thanh tra sở trong lĩnh vực “tư pháp” như trên là chưa phù hợp, vì hiện nay theo quy định của pháp luật, Thanh tra Tư pháp thực hiện nhiệm vụ thanh tra các lĩnh vực hoạt động tư pháp như hộ tịch; quốc tịch; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp;...đặc biệt là lĩnh vực bổ trợ tư pháp gồm luật sư; công chứng; đấu giá tài sản…liên quan trực tiếp, có phạm vi ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của địa phương. Bên cạnh đó, hiện nay Nhà nước đẩy mạnh việc xã hội hóa trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp như công chứng, đấu giá tài sản, luật sư…, kéo theo đó là sự gia tăng số lượng các tổ chức bổ trợ tư pháp nhưng cũng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, vi phạm pháp luật từ các hoạt động này. Do đó, công tác quản lý nhà nước của Sở Tư pháp đối với lĩnh vực bổ trợ tư pháp hơn lúc nào hết phải thật sâu sát, kịp thời để nắm bắt, theo dõi, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm. Đồng thời, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành chưa quy định Thanh tra tỉnh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, việc giao Thanh tra tỉnh đảm nhận thực hiện chức năng thanh tra ngành Tư pháp tại cấp tỉnh sẽ dẫn đến bất cập trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, cần thiết giao nhiệm vụ thanh tra ngành Tư pháp cho đội ngũ thanh tra chuyên ngành thực hiện.

        Ngoài lĩnh vực tư pháp thì lĩnh vực xây dựng hoạt động có tính chất đặc thù, có nhiều lĩnh vực chuyên môn được đào tạo khác nhau, đồng thời việc xử lý vi phạm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của nhiều doanh nghiệp, người dân, đòi hỏi cần có nghiệp vụ chuyên sâu của cơ quan chuyên môn. Vì vậy, đề nghị bổ sung thanh tra chuyên ngành lĩnh vực xây dựng nhằm đảm bảo hiệu quả cho hoạt động thanh tra.

        Thứ tư, về thời hạn ban hành kế hoạch thanh tra của Thanh tra sở

        Khoản 5 Điều 49 quy định chậm nhất vào ngày 30 tháng 9 hàng năm, Chánh Thanh tra Sở căn cứ vào kế hoạch thanh tra của Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh và yêu cầu công tác quản lý nhà nước trình thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thông qua kế hoạch thanh tra. Theo quy định trên thì Kế hoạch thanh tra của Thanh tra sở được xây dựng dựa trên kế hoạch thanh tra của thanh tra Bộ và thanh tra tỉnh. Tuy nhiên, dự thảo quy định Kế hoạch thanh tra của thanh tra sở được ban hành trước kế hoạch thanh tra của thanh tra Bộ và thanh tra tỉnh là chưa phù hợp (khoản 4 Điều 49 quy định thời hạn ban hành kế hoạch thanh tra của thanh tra bộ, thanh tra tỉnh là chậm nhất vào ngày 31 tháng 10 hằng năm), đề nghị xem xét quy định thời hạn này hợp lý để có cơ sở triển khai thực hiện.

        Thứ năm, về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra

        Điều 56 quy định về nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra. Tuy nhiên, dự thảo chưa có quy định về xử lý đối với trường hợp chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của thanh tra bộ và thanh tra sở, đề nghị xem xét bổ sung. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung thêm quy định về thời hạn để các cơ quan có liên quan xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra làm cơ sở cho việc áp dụng thống nhất, kịp thời trong triển khai thực hiện, đảm bảo hiệu quả hoạt động thanh tra trong thực tiễn.

        Thứ sáu, một số nội dung khác

        Điều 57 quy định Đoàn Thanh tra có Trưởng Đoàn thanh tra, Phó Trưởng Đoàn thanh tra và thành viên Đoàn thanh tra. Tuy nhiên, dự thảo mới chỉ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Đoàn và thành viên Đoàn mà chưa quy định đối với Phó Trưởng đoàn, đề nghị bổ sung cho phù hợp.

        Điều 99 có các nội dung liên quan đến cộng tác viên thanh tra, tuy nhiên trong toàn dự thảo chưa có quy định liên quan đến cộng tác viên thanh tra, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại nội dung này.

        Đề nghị xem xét chỉnh sửa một số nội dung trùng lặp tại dự thảo, cụ thể: Khoản 2 Điều 51 lặp khoản 8 Điều 2; nội dung “việc công bố Quyết định thanh tra phải được lập biên bản” tại khoản 2 Điều 61 lặp quy định tại khoản 4 Điều 65; khoản 3 Điều 70 quy định lặp lại các hành vi bị cấm tại khoản 2 Điều 8; khoản 1 Điều 94 lặp lại nội dung tại khoản 10 Điều 2.

        Trên đây là một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Thanh tra, hy vọng trong thời gian tới Luật sửa đổi sớm được hoàn thiện, ban hành để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện Luật như hiện nay./.

Thanh Hoa

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN