Một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp

 

Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2009, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2010. Sau 06 năm thi hành, Luật LLTP đã mang lại nhiều kết quả tích cực, tạo cơ sở pháp lý có hiệu lực cao để triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP; chủ động cập nhật thông tin về xóa án tích, tạo điều kiện cho những người đã được xóa án tích tái hòa nhập cộng đồng. Thông qua việc triển khai thi hành Luật LLTP, nhận thức của xã hội về ý nghĩa, giá trị của LLTP ngày càng được nâng lên. Phiếu LLTPđã trở thành công cụ pháp lý quan trọng góp phần bảo đảmquyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân trong việc chứng minh nhân thân tư pháp của mình khi tham gia vào các quan hệ pháp lý, dân sự, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ. 

Tuy nhiên, qua quá trình thi hành, Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như:  Do được ban hành từ năm 2009 nên một số quy định của Luật LLTP chưa phù hợp, thống nhất với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng như nhiều bộ luật, luật mới có liên quan đến pháp luật về LLTP (Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Luật Thi hành án hình sự, Luật phí, lệ phí….); Quy định của Luật LLTP hiện nay về quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 hiện nay đang bị lạm dụng, đồng thời chưa bảo đảm thực hiện chế định về đương nhiên xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015; Thủ tục cấp Phiếu LLTPchưa đáp ứng được yêu cầu cải cách thủ tục hành chính…Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật LLTP là cần thiết.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản pháp luật liên quan, tác giả có một số ý kiến đóng góp cho Dự thảo sau đây:

Thứ nhất, tại khoản 2, Điều 1 của Dự thảo về sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Luật Lý lịch tư pháp quy định “Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được chia sẻ, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác theo quy định của pháp luật về lý lịch tư pháp và pháp luật liên quan”. Tuy nhiên, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì quyền con người , quyền công dân được Nhà nước tôn trọng và bảo vệ; đồng thời, tại khoản 1 Điều 14 sửa đổi của Luật Lý lịch tư pháp quy định“Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là tài sản quốc gia, được bảo vệ chặt chẽ, an toàn, lưu trữ lâu dài”. Do đó, đề nghị không đưa vào Dự thảo quy định này.

Thư hai, tại khoản 3, khoản 4, Điều 1 của Dự thảo về sửa đổi, bổ sung Điều 15 và Điều 16 của Luật Lý lịch tư pháp, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với Bộ luật Hình sự 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, đề nghị bổ sung các Quyết định sau:

- Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện (theo quy định tại khoản 3 Điều 66 Bộ luật Hình sự 2015 và khoản 8 Điều 368 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 );

- Quyết định rút ngắn thời gian thử thách của người tha tù trước thời hạn có điều kiện (theo quy định tại khoản 5 Điều 66 Bộ luật Hình sự 2015).

Thứ ba, tại khoản 10, Điều 1 của Dự thảo về bổ sung Điều 32a có quy định: “Định kỳ, Cơ quan quản lý lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án, Cơ quan điều tra có liên quan thực hiện rà soát những người đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự”. Tuy nhiên, để đảm bảo việc cơ quan quản lý lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp xác định được chính xác các điều kiện người bị kết án được đương nhiên xóa án tích, đề nghị bổ sung các cơ quan phối hợp sau: Thi hành án hình sự, Thi hành án dân sự, UBND cấp xã.

Thứ tư, tại khoản 16 Điều 1 của Dự thảo về sửa đổi, bổ sung Điều 45 của Luật Lý lịch tư pháp: Đề nghị quy định thành phần hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo từng phương thức yêu cầu cấp Phiếu (trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính công, trực tuyến) để đảm bảo giá trị pháp lý của giấy tờ trong hồ sơ, qua đó tạo thuận lợi cho cơ quan giải quyết và cá nhân có yêu cầu cấp Phiếu. 

Cũng tại khoản này quy định: “Trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền mà xuất trình bản chính hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ như Giấy khai sinh, trích lục khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc hộ khẩu có thông tin chứng minh quan hệ cha, mẹ, vợ, chồng, con”. Việc quy định liệt kê một số giấy tờ như Dự thảo sẽ gây khó khăn cho cá nhân yêu cầu cấp Phiếu, vì ngoài các giấy tờ này còn có các giấy tờ khác chứng minh được mối quan hệ giữa người ủy quyền và người được ủy quyền, chẳng hạn như Sơ yếu lý lịch của cá nhân có xác nhận của UBND cấp xã. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu chỉnh sửa quy định này theo hướng như sau: “Trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền mà xuất trình bản chính hoặc bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh quan hệ cha, mẹ, vợ, chồng, con”.

Thứ năm, tại khoản 19 Điều 1 của Dự thảo về sửa đổi, bổ sung Điều 48 của Luật Lý lịch tư pháp quy định về thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp, để tạo thuận lợi cho Sở Tư pháp trong quá trình giải quyết yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đề nghị quy định thống nhất thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp tính theo ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp.

Trên đây là một số ý kiến đóng góp của tác giả đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp./.

                                                                             Kim Khánh

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN