Một số ý kiến góp ý dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sau đây gọi tắt là Luật TNBTCNN) được thông qua ngày 18/6/2009, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2010. Sau 06 năm triển khai thi hành Luật cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc thiết lập cơ chế đặc thù để cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp thực hiện quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra; các cơ quan nhà nước có trách nhiệm bồi thường thực hiện việc giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật; ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ có sự chuyển biến. Luật TNBTCNN đã góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tuy nhiên, kể từ năm 2010 đến nay, Quốc hội đã ban hành nhiều bộ luật, luật mới, đặc biệt tháng 11 năm 2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp mới, trong đó có nhiều quy định mới về quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Sự phát triển, thay đổi của hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành đã làm cho nhiều quy định của Luật TNBTCNN không còn phù hợp và thiếu tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu sửa đổi toàn diện.

Xuất phát từ những yêu cầu của thực tiễn nêu trên, việc ban hành Luật TNBTCNN sửa đổi là cần thiết nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo vệ và bảo đảm quyền của công dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; tạo cơ sở pháp lý vững chắc khắc phục những bất cập, hạn chế, thúc đẩy đổi mới công tác bồi thường của Nhà nước. Qua nghiên cứu dự thảo Luật, tác giả xin có một số ý kiến góp ý sau đây:

1. Theo khoản 1 Điều 3 dự thảo thì người bị thiệt hại là cá nhân, tổ chức. Đồng thời, khoản 3 của Điều này giải thích người yêu cầu bồi thường là “người bị thiệt hại hoặc người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của người bị thiệt hại hoặc người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết”. Theo như giải thích này thì mới chỉ tính đến trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân mà đã chết thì người yêu cầu bồi thường là người thừa kế của người đó. Vậy trường hợp người bị thiệt hại là tổ chức đã giải thể, phá sản thì ai là người yêu cầu bồi thường lại chưa được quy định. Do đó, để tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật, đề nghị nghiên cứu vấn đề này.

Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 3 giải thích người yêu cầu bồi thường là người bị thiệt hại hoặc người đại diện theo pháp luật hoặc “đại diện theo ủy quyền của người bị thiệt hại”…, như vậy là chỉ đại diện theo ủy quyền của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 6 lại quy định: người bị thiệt hại, người thừa kế của người bị thiệt hại, người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại đều có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác thực hiện quyền yêu cầu bồi thường. Hai quy định này là chưa thống nhất với nhau vì một bên thì chỉ đại diện theo ủy quyền của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại còn một bên lại quy định nhiều đối tượng khác cũng có thể ủy quyền yêu cầu bồi thường. Vì vậy, đề nghị xem xét chỉnh sửa cho thống nhất.

2. Tại khoản 1 Điều 7 quy định: Thời hiệu yêu cầu bồi thường là 03 năm, kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, vì khoản 3 Điều 3 dự thảo có quy định về người yêu cầu bồi thường không chỉ là người bị thiệt hại mà có thể là người thừa kế của người bị thiệt hại nếu người bị thiệt hại đã chết. Do đó, nếu trường hợp người bị thiệt hại đã chết thì phải là người thừa kế nhận văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Vì vậy, đề nghị chỉnh sửa lại nội dung này cho phù hợp.

3. Tại điểm c khoản 2 Điều 14 quy định một trong những nghĩa vụ của người bị thiệt hại là “chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại”. Điều này là chưa hợp lý và thống nhất với quy định tại khoản 3 Điều 8. Vì theo khoản này thì một trong những căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đó là “có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại được xác định tại văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường”. Như vậy, việc chứng minh mối quan hệ nhân quả này đã được cơ quan nhà nước xác định tại văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường gửi người bị thiệt hại, nên quy định nghĩa vụ này của người bị thiệt hại là chưa phù hợp.

4. Tại khoản 1 Điều 61 quy định về hình thức phục hồi danh dự đối với người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự là trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú của cá nhân, nơi đặt trụ sở của pháp nhân thương mại. Tuy nhiên nếu trường hợp pháp nhân đó đã bị phá sản hoặc giải thể thì xử lý như thế nào lại chưa được quy định.

Trên đây là một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Tác giả hi vọng rằng có thể đóng góp một vài ý kiến nhỏ, góp phần hoàn thiện hơn các quy định của Luật, đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện./.

Kim Lân

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN