Một số ý kiến về dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

        1. Về tên gọi của Luật: quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Theo đó, về phạm vi điều chỉnh thì  Luật  này quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất nổ, công cụ hỗ trợ…. Tuy nhiên, nội dung của Luật còn điều chỉnh hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Do đó, việc để tên gọi của Luật là quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sẽ không bao quát được hết, vì vậy nên bỏ từ “ sử dụng” và chỉ để tên gọi là Luật là quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

          2. Dự thảo có quy định về các nội dung liên quan đến tiền chất nổ; giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ . Vì vậy, tại điều 3 dự thảo về giải thích từ ngữ, đề nghị giải thích thêm một số thuật ngữ như: tiền chất nổ; giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để đảm bảo tính rõ ràng của văn bản nhằm tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng.

          3. Điều 7 dự thảo quy định về tiêu chuẩn, trách nhiệm của người sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, có nghĩa là người sử dụng vũ khí là cá nhân. Tuy nhiên, tại các điều khoản quy định về cấp giấy phép sử dụng như điều 20;  điều 24 lại chưa thể hiện được việc đây là cấp cho cá nhân. Do đó, chưa có sự thống nhất trong quy định này.

          Đồng thời, tại điều này quy định về tiêu chuẩn của người sử dụng, người quản lý kho, trong đó có tiêu chuẩn đã được xóa án tích. Tuy nhiên, theo quy định điều 69 Bộ Luật hình sự thì người xóa án tích coi như chưa bị kết án. Do đó đây là điều đương nhiên, nên việc  đưa tiêu chuẩn này vào dự thảo là không cần thiết.

          4. Khoản 1 điều 10 về các trường hợp về vũ khí, công cụ hỗ trợ bị thu hồi cần bổ sung thêm trường hợp sử dụng vũ khí, công cụ không đúng mục đích.

          Đồng thời điểm c điều khoản này quy định thu hồi giấy phép trong trường hợp: Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, sữa chữa, kinh doanh vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất nổ, công cụ hỗ trợ khi giải thể, chuyển đổi, chia tách, sáp nhập. Tuy nhiên, nội dung này trùng với điểm a khoản này. Theo đó, về các  trường hợp thu hồi giấy phép tại khoản 1 điều này, trong đó đã có trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh nghị bị giải thể, chuyển đổi, chia tách, sáp nhập.

          5. Khoản 3 điều 10 quy định về thủ tục thu hồi vũ khí, công cụ hỗ trợ và Giấy phép, Giấy xác nhận vật liệu nổ, tiền chất nổ và công cụ hỗ, theo đó cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có vũ khí, công cụ hỗ trợ và Giấy phép, Giấy xác nhận vật liệu nổ, tiền chất nổ và công cụ hỗ trợ sẽ đề nghị việc thu hồi. Tuy nhiên thực tế việc thu hồi sẽ do cơ quan cấp giấy phép, giấy xác nhận. Do đó, đây cũng là một vấn đề cần phải trao đổi thêm để đảm bảo tính khả thi của văn bản.

          6.  Điều 15 dự thảo, đề nghị lựa chọn phương án 1 quy định chung việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sữa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong Luật này chứ không tách ra thành Luật này quy định việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sữa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, còn Chính phủ quy định việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sữa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an như Phương án 2 của dự thảo. Vì tránh tình trạng ban hành nhiều văn bản để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

          7. Điều 15 có quy định về nghiên cứu, chế tạo, vũ khí và 16 quy định về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, chế tạo vũ khí. Tuy nhiên, trong dự thảo không có điều luật nào quy định cụ thể về vấn đề này.

          8. Điểm đ khoản 1 điều 20 dự thảo quy định về trường hợp cấp đổi, cấp lại Giấy phép sử dụng vũ khí, quân dụng. Tuy nhiên, khoản 4 điều 10 đã có điều khoản chung quy định về vấn đề này. Do đó, nếu quy định như dự thảo sẽ dẫn đến trùng lặp văn bản.

          9. Điểm d khoản 3 điều 21 quy định được phép nổ súng trong trường hợp khi biết rõ trên phương tiện chạy trốn có tài sản đặc biệt quý hiếm. Tuy nhiên, để xác định được như thế nào là tài sản đặc biệt quý hiếm là rất khó./.       

 

Hải Giang

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN