Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật - một số thách thức và yêu cầu đặt ra

Trong những năm qua, đặc biệt là sau khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 được Quốc hội thông qua, với sự nổ lực của các ngành, các cấp, công tác PBGDPL trên địa bàn Hà Tĩnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét, góp phần xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của cán bộ và Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Tuy nhiên, trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, “đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững” đã được đề ra tại Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020), công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh cần được tăng cường thường xuyên, liên tục và ở tầm cao hơn.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL gắn liền với yêu cầu phải chú trọng đổi mới công tác này. Đổi mới công tác PBGDPL là yêu cầu cấp thiết nhằm bảo đảm đúng vị trí, vai trò, ý nghĩa, sự phát triển ổn định, bền vững của công tác này, điều đó cũng phù hợp với xu thế chung hiện nay trong việc bảo đảm quyền con người, quyền được phổ biến, giáo dục và tiếp cận thông tin pháp luật của người dân.

Thách thức cũng chính là những yêu cầu đặt ra cho công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh hiện nay, muốn đổi mới thì trước hết phải khắc phục kịp thời những hạn chế, khó khăn mà trong thực tiễn công tác này còn gặp phải.

Đúng như tinh thần Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2013 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, các cấp, các ngành phải xác định được sâu sắc rằng công tác PBGDPL “là nhiệm vụ chung của toàn bộ hệ thống chính trị”; trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thì mọi cấp, mọi ngành đều phải thực hiện công tác này. Không đánh đồng giữa quản lý nhà nước về công tác PBGDPL với trách nhiệm thực hiện công tác PBGDPL, từ đó dẫn đến cách hiểu đó là nhiệm vụ của Ngành Tư pháp. Xác định được rõ trách nhiệm thì mới chủ động, kịp thời trong triển khai thực hiện. Đồng thời, để nâng cao, chất lượng, hiệu quả công tác này cần chú trọng và đề cao tính phối hợp, không nên “mạnh ai người đó làm”.

 Cần có sự tăng cường đầu tư đúng mức cho các cơ quan quản lý nhà nước về công tác PBGDPL mà trước hết đó là yếu tố con người. Với tình hình biên chế hiện nay, nếu không có sự nổ lực tối đa thì thực sự quá khó để các cơ quan này có thể triển khai được đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ được giao. Bởi vì thực tế, các cơ quan Tư pháp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở cấp huyện, cấp xã đến lúc này hầu hết chưa được bố trí đủ biên chế; có Phòng Tư pháp chỉ có 02 biên chế, cấp xã chủ yếu mới được bố trí 01 Công chức Tư pháp - Hộ tịch, thậm chí có nơi còn đang kiêm nhiệm.

Bản thân các cơ quan quản lý nhà nước về công tác PBGDPL cũng phải thường xuyên chú trọng đến chất lượng tham mưu cho UBND cùng cấp. Khắc phục kịp thời tình trạng một số công việc tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác PBGDPL còn lúng túng, thụ động, chất lượng chưa sâu; còn dàn trải, thiếu tính liên kết, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa bám sát nhiệm vụ chính trị và các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; công tác theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chưa được chú trọng đúng mức nên chưa phát hiện kịp thời và đề xuất xử lý những điểm nghẽn, vướng mắc, bất cập nảy sinh từ thực tiễn.

Cần tiếp tục đổi mới hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, phát huy tối đa, triệt để chức năng tham mưu, tư vấn của Hội đồng trong công tác PBGDPL. Thực tế thì hiện nay chúng ta chủ yếu mới phát huy được vai trò của cơ quan thường trực của Hội đồng (Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Công chức Tư pháp - Hộ tịch) chứ chưa phát huy được đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 290 báo cáo viên pháp luật, 2.162 tuyên truyền viên pháp luật và 15.254 hòa giải viên ở cơ sở. Phải phát huy được đầy đủ năng lực, trách nhiệm của đội ngũ này cho công tác PBGDPL. Muốn vậy phải thường xuyên chăm lo củng cố, kiện toàn, phân công, phân nhiệm nhiệm vụ cụ thể, phù hợp; đảm bảo các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp văn bản, tài liệu pháp luật và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho họ.

Chú trọng đổi mới thường xuyên về nội dung và hình thức PBGDPL. Cần khắc phục tình trạng một số nội dung và hình thức PBGDPL được tổ chức thực hiện trong thời gian vừa qua còn chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Trong đó, nội dung PBGDPL theo một số đánh giá còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Cách thức xây dựng nội dung trong các tài liệu tuyên truyền, phổ biến còn cứng nhắc, khuôn mẫu, chưa phù hợp với trình độ hiểu biết, nhu cầu tâm lý lứa tuổi của từng đối tượng đặc thù, thiếu sự gắn kết với những tình huống pháp luật thực tế nên chưa tạo được sức hút và khơi dậy ý thức tự tìm hiểu pháp luật trong mỗi người dân. Một số mô hình (như mô hình tủ sách pháp luật) đã trở nên lạc hậu, không phát huy được hiệu quả; việc nghiên cứu, áp dụng các mô hình PBGDPL mới còn chậm.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL chưa được chú trọng đúng mức, chưa thích ứng được với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập, sinh hoạt và làm việc của người dân, điều này làm cản trở tới quá trình tiếp cận thông tin pháp luật của Nhân dân vì một số hình thức PBGDPL trên các phương tiện thông tin được áp dụng hiện nay đã trở nên lạc hậu, đơn điệu không phù hợp với xu hướng. Do đó, các cấp, các ngành cần quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác PBGDPL.

Một trong những thách thức lớn đó là việc bảo đảm kinh phí cho việc thực hiện công tác PBGDPL. Có lý do khách quan xuất phát từ điều kiện ngân sách eo hẹp, nhưng cũng có lý do chủ quan là do không chú trọng đúng mức đến công tác này nên một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đầu tư kinh phí. Điều này cần kịp thời được khắc phục trên cơ sở thay đổi nhận thức đúng về vai trò, ý nghĩa của công tác PBGDPL và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đối với công tác này. Hiện nay, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 166/2015/NQ-HĐND quy định mức chi thực hiện công tác PBGDPL và hòa giải ở cơ sở, cần chỉ đạo, giám sát, kiểm tra để Nghị quyết được triển khai nghiêm túc, hiệu quả.

Hiện nay, các hoạt động PBGDPL vẫn chủ yếu do ngân sách Nhà nước bảo đảm. Ở tỉnh ta, việc xã hội hóa công tác PBGDPL nhìn chung còn chậm, trong đó, cách thức huy động các nguồn lực xã hội hóa còn chưa linh hoạt, thiếu bài bản, chuyên nghiệp; thiếu cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích động viên tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện PBGDPL hoặc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động PBGDPL. Vì vậy cần kịp thời nghiên cứu, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa công tác này./.

Thành Trung

 TIN TỨC LIÊN QUAN