Nâng cao chất lượng công tác hoà giải ở cơ sở

Thời gian qua, công tác hòa giải đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Theo báo cáo tổng kết của Bộ Tư pháp, đến thời điểm hiện nay cả nước có 121.251 tổ hòa giải với 628.530 hoà giải viên.. Từ năm 1999 đến nay, tổng số vụ việc hòa giải là 4.358.662, trong đó, hòa giải thành là 3.488.144 vụ, đạt tỷ lệ 79% góp phần giải quyết các mâu thuẫn, vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ ở cơ sở. Ở tỉnh ta, tính đến ngày 30/6/2016  có 2270 tổ hòa giải; 15245 hòa giải viên. Trung bình mỗi năm tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn tỉnh đạt 81%, cao hơn mức bình quân của cả nước.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác hòa giải theo quy định tại Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản có liên quan, hàng năm Sở Tư pháp đã chủ trì phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác này. Mặt khác, trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp đã tổ chức các hoạt động như: thành lập đoàn kiểm tra nhằm nắm tình hình thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; tổ chức Hội nghị tập huấn;  ban hành bộ tài liệu về hòa giải ở cơ sở để phát cho các địa phương; tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết. Sở cũng đã kịp thời tham mưu cho Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 166/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015Về quy định mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở đó, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện tương đối tốt công tác tham mưu giúp UBND huyện theo dõi, quản lý về tổ chức và hoạt động của tổ hoà giải ở cơ sở như: Tham mưu ban hành nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo UBND cấp xã tạo điều kiện để các hoà giải viên hoạt động hiệu quả; Cấp phát đề cương, tài liệu; Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho tổ trưởng tổ hoà giải và các thành phấn liên quan nội dung về: Luật Hòa giải ở cơ sở, các quy định của pháp luật trong lĩnh vực dân sự, đất đai, hôn nhân - gia đình, khiếu nại - tố cáo, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; Cử cán bộ, công chức tiến hành kiểm tra công tác tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở nhằm kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo những khó khăn vướng mắc phát sinh ở cơ sở; Chỉ đạo tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình hoạt động của các tổ hoà giải, kịp thời biểu dương khen thưởng những hoà giải viên có thành tích xuất sắc trong hoạt động hoà giải…Do đó, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần giữ gìn khối đoàn kết trong nội bộ Nhân dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, các tổ hoà giải thông qua việc hoà giải đã góp phần tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật của Nhà nước, chủ trương của Đảng đến Nhân dân sâu rộng và toàn diện.

Bên cạnh những kết quả đạt được hết sức tích cực trên thì công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như:

Thứ nhất, một số địa phương chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác hòa giải nên chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác hòa giải, chưa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở (chưa thực hiện tốt chế độ thống kê, kiểm tra, báo cáo, theo dõi tình hình biến động về tổ chức cũng như chất lượng hòa giải cơ sở; Công tác tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật có liên quan cho hòa giải viên chưa được thực hiện nghiêm túc; việc khen thưởng, chi thù lao cho hoà giải viên chưa thực hiện kịp thời; một số cán bộ tư pháp - hộ tịch chưa làm tốt vai trò tham mưu trong quản lý công tác hòa giải ở cơ sở…).

Thứ hai, hoạt động hoà giải ở một số đơn vị, địa phương chú trọng chiều sâu, chưa thể hiện đầy đủ và đúng nghĩa của công tác hoà giải cơ sở.

Thứ ba, việc huy động nguồn lực cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa được tiến hành một cách đồng bộ và thống nhất. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải phải kiêm nhiệm nhiều việc; Các hoà giải viên chưa thường xuyên được trang bị kiến thức pháp lý và kỹ năng nghiệp vụ cần thiết để thực hiện nhiệm vụ; Mạng lưới hòa giải chưa đồng đều; Tổ hòa giải ở một số nơi hoạt động chưa hiệu quả; Tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; Một bộ phận hòa giải viên còn hạn chế về kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải…

Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới, cần thực hiện một số công tác sau:

Một là, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị tí, vai trò và tầm quan trọng cua công tác này đối với đời sống xã hội.

Hai là, các cấp, các ngành cần xác định công tác hòa giải ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, cần tăng cường vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhằm tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.

Ba là, cần tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên và cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về hòa giải ở cơ sở.

Bốn là, cung cấp các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.

Năm là, tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hoà giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi với những nội dung phong phú, đa dạng và sinh động.

Sáu là, tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về hoạt động hòa giải ở cơ sở và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải.

 Bảy là, bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở và phổ biến, giáo dục pháp luật theo Nghị quyết số 166/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Về quy định mức chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luậtvà công tác hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Nói tóm lại, để nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở cần tiếp tục có sự quan tâm sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan thì nhiệm vụ này sẽ hiệu quả,  góp phần giữ gìn khối đoàn kết trong nội bộ Nhân dân, và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội./.

Hoa Phượng

 TIN TỨC LIÊN QUAN