Những điểm mới được sửa đổi, bổ sung của Luật Sở hữu trí tuệ

 

Nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật trong nước để thực thi cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, đồng thời để bảo đảm tính ổn định, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngày 14/6/2019, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ. Luật này đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới so với trước đây về sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

 

Về sáng chế, Luật này đã sửa đổi Điều 60 Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng dành cho các đơn nộp vào Việt Nam hưởng ngoại lệ rộng hơn (không giới hạn về địa điểm bộc lộ và thời gian là 12 tháng kể từ ngày thông tin bị bộc lộ), cụ thể như sau: “Sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này hoặc người có được thông tin về sáng chế một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ người đó bộc lộ công khai với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp trong thời hạn mười hai tháng kể từ ngày bộc lộ”. Quy định này cũng áp dụng đối với sáng chế được bộc lộ trong đơn đăng ký sở hữu công nghiệp hoặc văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp công bố trong trường hợp việc công bố không phù hợp với quy định của pháp luật hoặc đơn do người không có quyền đăng ký nộp.

 

Về chỉ dẫn địa lý:

 

Luật này sửa đổi khoản 1 Điều 80 về cách đánh giá một thuật ngữ là tên gọi chung của hàng hoá tại Việt Nam, theo đó bổ sung quy định việc đánh giá phải dựa trên cách hiểu của người tiêu dùng tại Việt Nam. Đồng thời sửa đổi khoản 3 Điều 80 Luật Sở hữu trí tuệ về đánh giá khả năng gây nhầm lẫn của chỉ dẫn địa lý với nhãn hiệu, theo đó chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ hoặc đã được nộp theo đơn đăng ký nhãn hiệu có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa.

 

Luật cũng đã bổ sung Điều 120a về công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo điều ước quốc tế, theo đó đề nghị công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang đàm phán gọi là đề nghị quốc tế. Việc công bố đề nghị quốc tế, xử lý ý kiến của người thứ ba, đánh giá điều kiện bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý trong đề nghị quốc tế được thực hiện theo các quy định tương ứng tại Luật này đối với chỉ dẫn địa lý trong đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp..

 

Về nhãn hiệu:

 

Luật này đã bổ sung vào Điều 89 Luật Sở hữu trí tuệ quy định đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp được nộp dưới hình thức văn bản ở dạng giấy cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hoặc dạng điện tử theo hệ thống nộp đơn trực tuyến. Đồng thời sửa đổi khoản 2 Điều 136 Luật Sở hữu trí tuệ về nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu và sửa đổi khoản 2, bổ sung khoản 3 Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu nhằm đáp ứng quy định của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Theo đó chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu. Việc sử dụng nhãn hiệu bởi bên nhận chuyển quyền theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu cũng được coi là hành vi sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu. Trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng liên tục từ năm năm trở lên thì Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực.

 

Về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ:

 

Về biện pháp dân sự, Luật này đã sửa đổi khoản 1 Điều 205 của Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng bổ sung quy định về cách tính giá trị trong việc quyết định bồi thường thiệt hại; bổ sung khoản 4 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng quy định Toà án có quyền yêu cầu bên thua kiện phải thanh toán cho bên thắng kiện; bổ sung khoản 5 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ quy định bồi thường thiệt hại do lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

 

Về kiểm soát biên giới, Luật đã sửa đổi khoản 1 Điều 218 Luật Sở hữu trí tuệ, theo đó  bổ sung quy định về nghĩa vụ của cơ quan hải quan trong việc cung cấp cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thông tin về tên và địa chỉ của người gửi hàng; nhà xuất khẩu, người nhận hàng hoặc nhà nhập khẩu; bản mô tả hàng hóa; số lượng hàng hóa; nước xuất xứ của hàng hóa nếu biết, trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày ra quyết định áp dụng biện pháp hành chính để xử lý đối với hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu và hàng hóa sao chép lậu.

 

Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2019, riêng một số quy định về sở hữu trí tuệ tại Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 14/01/ 2019 đối với các trường hợp:  Đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp có ngày nộp đơn từ ngày 14 tháng 01 năm 2019; Yêu cầu hủy bỏ hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý được cấp trên cơ sở đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp có ngày nộp đơn từ ngày 14 tháng 01 năm 2019; Yêu cầu chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được thực hiện từ ngày 14 tháng 01 năm 2019; Vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được cơ quan có thẩm quyền thụ lý từ ngày 14 tháng 01 năm 2019; yêu cầu khác về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện từ ngày 14 tháng 01 năm 2019./.

 

                                                                                            Thiều Chiên

 TIN TỨC LIÊN QUAN