Những quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nhằm hạn chế tình trạng trẻ hóa độ tuổi uống rượu ở nước ta

Tại Nghị quyết số 25/NQ-TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xác định: Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, lực lượng thanh thiếu niên nước ta được tạo điều kiện về mọi mặt để phát triển toàn diện. Trên thực tế, thế hệ thanh niên thời kỳ mới đã và đang tiếp nối truyền thống của dân tộc; không ngại khó khăn, gian khổ, nỗ lực vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, trước những tác động nhiều mặt của xã hội ngày nay, trong lực lượng thanh thiếu niên xuất hiện nhiều thói quen xấu, thậm chí là tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… Một trong những vấn đề đặc biệt được quan tâm trong giai đoạn gần đây là tình trạng sử dụng rượu, bia ở thanh thiếu niên. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở vị thành niên và thanh niên là 79,9% đối với nam và 36,5% đối với nữ. Theo điều tra sức khỏe học sinh năm 2013, có 43,8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu, bia đầu tiên trước 14 tuổi và 22,5% đã uống đến mức say ít nhất 1 lần. Sử dụng rượu, bia ở trẻ em và thanh thiếu niên gây hậu quả nghiêm trọng hơn đối với người lớn do não bộ của một người trưởng thành tiếp tục phát triển đến tuổi 25. Việc sử dụng rượu bia ở tuổi vị thành niên, thanh niên có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển đó của não bộ. Đồng thời, tuổi sử dụng rượu bia càng sớm thì nguy cơ lệ thuộc rượu bia càng cao. Ngoài ra, uống rượu bia cũng là nguyên nhân dẫn đến gia tăng tai nạn giao thông và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong giới trẻ. Việc trẻ hóa độ tuổi uống rượu ở Việt Nam đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể nhằm hạn chế tình trạng này, đặc biệt trong đó là việc xây dựng các quy định pháp luật phù hợp.

 

          Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Tại Khoản 2,3,4 Điều 5 Luật này quy định cấm:  Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia. Như vậy, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia là văn bản Luật đầu tiên đặt ra quy định cấm người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia. Còn việc cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi trước đây đã được quy định tại Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ, nay được đưa vào luật và bổ sung thêm các hành vi bị cấm khác gồm: cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi và sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.

 

          Để hạn chế sự tiếp cận của người dưới 18 tuổi đối với rượu, bia, từ đó hạn chế việc sử dụng rượu, bia của người dưới 18 tuổi, Điều 10 Luật này quy định một trong các địa điểm cấm sử dụng rượu, bia là các cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi. Tại Điều 12 quy định, trong quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ không được sử dụng vật dụng, hình ảnh, biểu tượng, âm nhạc, nhân vật trong phim, nhãn hiệu sản phẩm dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên; không được sử dụng người chưa đủ 18 tuổi hoặc hình ảnh của người chưa đủ 18 tuổi trong quảng cáo rượu, bia.  Không thực hiện quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo trong trường hợp sự kiện, phương tiện quảng cáo, sản phẩm dành cho người chưa đủ 18 tuổi, học sinh, sinh viên, thanh niên. Trường hợp quảng cáo rượu, bia dưới 5,5 độ trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và thiết bị viễn thông khác phải có hệ thống công nghệ chặn lọc, phần mềm kiểm soát tuổi của người truy cập để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin về rượu, bia. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định các cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi và không sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc kinh doanh, quảng cáo rượu, bia. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh. Gia đình có trách nhiệm giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có trách nhiệm giáo dục, tuyên truyền, vận động đoàn viên thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; tuyên truyền, giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên không uống rượu, bia; Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để bảo vệ và hỗ trợ trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia; Lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia trong công tác đoàn, đội.

 

          Như vậy, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đã đưa ra các quy định tương đối đầy đủ để hạn chế tình trạng trẻ hóa độ tuổi uống rượu ở nước ta. Để các quy định của Luật này được thực hiện nghiêm túc cần có sự tự ý thức của mỗi thanh, thiếu niên, sự phối hợp của gia đình, nhà trường, đoàn thể và toàn xã hội. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, làm tiền đề để các quy định của Luật đi vào cuộc sống./.

Thiều Chiên

 TIN TỨC LIÊN QUAN