Quy định về xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

        Theo quy định của Luật cán bộ, công chức, Luật Viên chức thì các bộ, công chức, viên chức có nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi thi hành công vụ, quá trình thực hiện nếu có sai phạm xảy ra thì sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định. Có thể thấy, các văn bản pháp luật chuyên ngành đều có quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, tuy nhiên mỗi hành vi vi phạm tương ứng sẽ có hình thức xử lý như thế nào thì phần lớn chưa được quy định cụ thể. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng tương tự, tại Điều 16 của Luật đã quy định trong quá trình thi hành Luật, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính mà vi phạm pháp luật thì tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

         Sau hơn 7 năm triển khai thi hành Luật, với vai trò là cơ quan tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà về công tác này, Sở Tư pháp đã tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về XLVPHC tại các đơn vị, địa phương. Qua công tác kiểm tra cũng đã phát hiện ra một số sai phạm của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, tuy nhiên do quy định của pháp luật còn chung chung, vì vậy việc xử lý kỷ luật còn còn nhiều vướng mắc.

         Trước thực trạng đó, ngày 12/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2020/NĐ-CP về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Có thể thấy, đây là giải pháp tháo gỡ nút thắt đối với việc xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Mục đích xử lý kỷ luật nhằm phòng, chống, ngăn chặn các vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

         Các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức được quy định cụ thể tại Điều 22 của Nghị định, bao gồm nhóm hành vi về việc không thực hiện đúng nhiệm vụ quyền hạn được giao như: Không xử phạt vi phạm hành chính; không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người vi phạm theo quy định pháp luật…; Nhóm hành vi liên quan đến thái độ, đạo đức công vụ như: Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử lý vi phạm hành chính, can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính…Nhóm hành vi vi phạm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của tổ chức, các nhân như: Kéo dài thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng…; Nhóm hành vi vi không thực hiện, thực hiện không đầy đủ các yêu cầu của người làm nhiệm vụ kiểm tra, không thực hiện các kết luận kiểm tra…Tương ứng với các hành vi vi phạm tại Điều 22 của Nghị định là các hình thức xử lý kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc được quy định từ Điều 23 đến Điều 29 của Nghị định.

         Có thể thấy, đây là một trong những Nghị định có quy định cụ thể về các hành vi vi phạm và mức độ xử lý kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức theo lĩnh vực chuyên ngành, là một trong những chế tài nghiêm khắc có tính khả thi cao, tác động tích cực đến hành vi, thái độ ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Trong thời gian tới, thiết nghĩ  để đạt được mục tiêu quản lý nhà nước, nâng cao các chỉ số về cải cách hành chính, các lĩnh vực chuyên ngành khác cũng cần phải xây dựng chế tài xử lý cụ thể nhằm xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức để đạt được mục tiêu xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh./.

Cẩm Thạch

 

 

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN