Quy trình xây dựng văn bản QPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh

            Trước đây, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND quy định tương đối cụ thể về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, đến Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 ,được sửa đổi, bổ sung năm 2020 có nhiều nội dung mới, đặc biệt là việc đánh giá tác động chính sách đối với Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luậ. Vì vậy, quy trình ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh có nhiều điểm mới, chi tiết hơn. Bài viết dưới đây, sẽ giới thiệu tóm lược quy trình ban hành văn bản quy trình ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh để chúng ta có thể hình dung rõ hơn và tham khảo trong quá trình tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật:

            1. Đối với việc xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh

          * Trường hợp Nghị quyết quy định các nội dung tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 27 Luật năm 2015  (quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; quy định chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; quy định biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương) thì áp dụng các Điều 111, 117, 119, 120,121, 122 Luật năm 2015 (một số nội dung được sửa đổi, bổ sung tại Luật năm 2020) để tham mưu ban hành theo quy trình 01 bước, cụ thể:

          - Cơ quan tham mưu xây dựng Nghị quyết có trách nhiệm lập đề nghị xây dựng Nghị quyết trình UBND tỉnh để trình Thường trực HĐND tỉnh quyết định (có thể lồng ghép trong đăng ký nội dung kỳ họp HĐND tỉnh). Hồ sơ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định tại khoản 2 Điều 117 Luật năm 2015, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 34 Điều 1 Luật năm 2020.

          - Sau khi được Thường trực HĐND tỉnh chấp thuận, cơ quan tham mưu xây dựng Nghị quyết (cơ quan chủ trì soạn thảo) thực hiện việc xây dựng dự thảo Nghị quyết.

          - Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết theo quy định tại Điều 120 Luật năm 2015.

          - Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tổng hợp (giải trình tiếp thu hoặc không tiếp thu ý kiến góp ý) để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo.

          - Cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết đến Sở Tư pháp để thẩm định chậm nhất là 25 ngày trước ngày UBND tỉnh họp (thành phần hồ sơ quy định tại khoản 36 Điều 1 Luật năm 2020). Sở Tư pháp có trách nhiệm tổ chức thẩm định dự thảo Nghị quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định.

          - Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình UBND tỉnh để chuyển đến các thành viên Ủy ban nhân dân chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày UBND tỉnh họp (các thành phần hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 122 Luật năm 2015 và khoản 37 Điều 1 Luật năm 2020). Đồng thời gửi báo cáo giải trình, tiếp thu kèm theo dự thảo văn bản đã được chỉnh lý đến Sở Tư pháp khi trình Ủy ban nhân dân dự thảo Nghị quyết.

          * Trường hợp nghị quyết quy định nội dung tại khoản 4 Điều 27 Luật 2015 ( Biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tức là các chính sách đặc thù của tỉnh) thì áp dụng các Điều 111 đến Điều 122 Luật năm 2015 (một số nội dung được sửa đổi, bổ sung tại Luật năm 2020) để tham mưu ban hành theo quy trình 02 bước, cụ thể:

          Bước 1 về quy trình lập đề nghị xây dựng Nghị quyết (từ Điều 111 đến Điều 117 Luật năm 2015)

Cơ quan tham mưu xây dựng Nghị quyết có trách nhiệm lập đề nghị xây dựng Nghị quyết, trong đó chú trọng đến nội dung của chính sách, thủ tục hành chính của chính sách và thực hiện đánh giá tác động chính sách theo các nội dung tại Điều 6 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP và khoản 3 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP. Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định tại Điều 114 Luật năm 2015 và điểm b, điểm e khoản 53 Điều 1 Luật năm 2020.

          - Cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến về đề nghị xây dựng Nghị quyết theo quy định tại Điều 113 Luật năm 2015.

          - Sau khi tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, cơ quan chủ trì soạn thảo  gửi Sở Tư pháp thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết. Hồ sơ gửi để thẩm định gồm các tài liệu theo quy định tại Điều 114 Luật năm 2015 và điểm b, điểm e khoản 53 Điều 1 Luật năm 2020. Sở Tư pháp có trách nhiệm tổ chức thẩm định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định.

          - Trên cơ sở báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định, chỉnh lý, hoàn thiện đề nghị xây dựng nghị quyết, trình UBND tỉnh để trình Thường trực HĐND tỉnh quyết định thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết. Đồng thời, gửi báo cáo giải trình, tiếp thu kèm theo đề nghị xây dựng nghị quyết đã được chỉnh lý đến Sở Tư pháp khi trình UBND tỉnh. Hồ sơ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định tại khoản 3 Điều 117 Luật năm 2015, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 34 Điều 1 Luật năm 2020.

          Bước 2, xây dựng dự thảo Nghị quyết

          Sau khi được Thường trực HĐND tỉnh chấp thuận, cơ quan chủ trì soạn thảo tham mưu xây dựng dự thảo theo quy trình tương tự như đối với mục 1 phần I nêu trên.

          Cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý, trường hợp có thủ tục hành chính thì quy định trong dự thảo Nghị quyết.

          2. Đối với xây dựng Quyết định của UBND tỉnh

          - Trước khi xây dựng quyết định, cơ quan chủ trì soạn thảo phải lập đề nghị xây dựng Quyết định theo quy định, gửi Văn phòng UBND tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp xem xét kiểm tra, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

          - Sau khi có ý kiến đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh, cơ quan chủ trì soạn thảo tiến hành xây dựng dự thảo Quyết định theo quy định tại Điều 128 Luật năm 2015 và khoản 39 Điều 1 Luật 2020.

          - Cơ quan soạn thảo tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan; gửi hồ sơ đến Sở Tư pháp thẩm định; hoàn thiện dự thảo trình UBND tỉnh theo quy định. Cách thức, thời gian thực hiện tương tự như đối với mục 1 phần I nêu trên; còn hồ sơ gửi thẩm định thực hiện theo quy định tại khoản 40 Điều 1 Luật năm 2020 và hồ sơ trình UBND tỉnh theo quy định tại khoản 41 Điều 1 Luật năm 2020.

          Với quy định cụ thể, đầy đủ của Luật Ban hành văn bản QPPL, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 về quy trình ban hành bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp tỉnh và việc thực hiện nghiêm túc quy trình này trong quá trình tham mưu ban hành văn bản QPPL của các sở, ban, ngành và địa phương, hy vọng rằng trong thời gian tới công tác xây dựng văn bản QPPL sẽ đạt được kết quả cao hơn nữa, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà./.

 

 

                                                                                                                          Hải Giang

 TIN TỨC LIÊN QUAN