Tăng cường nâng cao hiểu biết pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cho doanh nghiệp

Với mục tiêu tạo lập cơ sở pháp lý cho vấn đề xử lý vi phạm hành chính, năm 1989, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính và sau đó từng bước hoàn thiện qua bốn lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 1995, 2002, 2007 và 2008. Tuy nhiên, qua hơn 20 năm thực hiện, hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính với văn bản pháp lý cao nhất ở tầm Pháp lệnh đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải khẩn trương nghiên cứu, điều chỉnh, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn phát triển mới. Vì vậy, ngày 20/6/2012 tại kỳ họp thứ Quốc hội khóa XIII  đã thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013 với nhiều nội dung mới, tiến bộ, đánh dấu bước phát triển mới trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật xử lý vi phạm hành chính nói riêng. Để cụ thể hóa quy định của Luật, Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang bộđã ban hành 99 Nghị định và 67 Thông tư về xử lý vi phạm hành chính bao trùm tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế-xã hội.

 

Thời gian qua, cùngvới sự phát triển kinh tế - xã hội,tình hình vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những biến động phức tạp, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực như: Thuế; tài nguyên môi trường;công thươngvới các hành vi vi phạm đa dạng, phức tạp, chủ yếu liên quan đến hoạt động đăng ký kinh doanh; kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả; vi phạm về an toàn thực phẩm; quản lý đất đai; trốn thuế, gian lận thuế…

 

Qua thống kê cho thấy, việc xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh trong 06 tháng đầu năm số vụ việc vi phạm hành chính là 33.251 vụ  (trong đó, số vụ việc đã bị xử phạt: 29.970vụ; số vụ việc chưa xử phạt: 3.187vụ và số vụ việc chuyển xử lý bằng hình thức khác: 19 vụ).

 

Tổng số đối tượng bị xử lý vi phạm là 33.722, trong đó đối tượng là tổ chức bị xử lý vi phạm là 3.306 đối tượng và cá nhân: 30.416 đối tượng.

 

Các lĩnh vực có số vụ vi phạm hành chính nhiều có thể nói tới như thuế, môi trường, công thương, tài chính, cụ thể: Trong lĩnh vực thuế có 2.670 vụ bị xử phạt vi phạm hành chính trong đó có 2.660 đối tượng bị xử phạt là tổ chức Trong lĩnh vực môi trường có 08 vụ bị xử phạt vi phạm hành chính trong đó 07 vụ đối tượng bị xử phạt là tổ chức (chiếm 88%); Trong lĩnh vực công thương có 1.131 vụ bị xử phạt vi phạm hành chính trong đó 200 đối tượng bị xử phạt là tổ chức (chiếm 18%); Trong lĩnh vực tài chính có 297 vụ vi phạm hành chính trong đó 113 đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là tổ chức (chiếm hơn 38%).

 

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 5000 doanh nghiệp với nhiều nhà đầu tư là các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước thực hiện sản xuất kinh doanh trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng có những đóng góp to lớn trong sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

 

Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật, thì vẫn còn tình trạng các doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm túc pháp luật dẫn đến bị xử lý vi phạm hành chính. Theo số liệu thống kê nêu trên thì có thể thấy đối tượng vi phạm là tổ chức trong đó bao gồm cả doanh nghiệp là đối tượng vi phạm hành chính trên địa bàn chiếm số lượng tương đối lớn.

 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp còn chưa thật sự quan tâm đến việc tìm hiểu quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, chỉ khi vi phạm và bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt thì mới biết.

 

Vì vậy, trong thời gian tới thông qua nhiều cách thức khác nhau, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cho doanh nghiệp để từ đó các doanh nghiệp nắm rõ và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, ổn định sản xuất, kinh doanh./.

 

Hải Giang

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN