Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông

        “An toàn giao thông là trách nhiệm của mọi người, mọi nhà và cả xã hội”, “Tính mạng con người là trên hết”…là thông điệp trên những tấm panô tuyên truyền trên các tuyến đường phố không chỉ ở tỉnh ta mà trong cả nước và đó cũng là thông điệp mà Chính phủ, Uỷ Ban An toàn giao thông quốc gia thường xuyên chỉ đạo đến các địa phương nhằm hạn chế tai nạn giao thông.

         Để giảm thiểu tai nạn giao thông, thời gian qua các ngành chức năng đã tổ chức đồng bộ các giải pháp như: Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; tiếp tục siết chặt công tác quản lý phương tiện, người lái và đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; tăng cường công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang an toàn giao thông… Tuy nhiên, tình hình về tai nạn giao thông vẫn còn đáng lo ngại, theo Báo cáo sơ kết 6 tháng của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, từ ngày 15/12/2019 đến 14/6/2020, toàn quốc xảy ra 6.790 vụ TNGT, làm chết 3.242 người, bị thương 4.939 người. Va chạm giao thông xảy ra 2.926 vụ, làm bị thương nhẹ 3.008 người. Ở Hà Tĩnh, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 67 vụ, làm chết 61 người, bị thương 25 người, so với cùng kỳ năm 2019 tăng 03 vụ và 03 người chết, giảm 11 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân không chấp hành Luật Giao thông đường bộ, nhất là không làm chủ tốc độ, không đi đúng phần đường, làn đường, không chấp hành biển báo hiệu đường bộ, không nhường đường…

        Để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh, cần thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, trong đó công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông rất quan trọng, trong đó tập trung thực hiện tốt những vấn đề như sau:

        Về nội dung cần tăng cường tuyên truyền những vấn đề mà cán bộ và Nhân dân quan tâm như: các hành vi bị nghiêm cấm; các quy định về người điều khiển giao thông đường bộ; về hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; chú trọng việc cảnh báo các hậu quả nghiêm trọng của tai nạn giao thông, các nguy cơ, nguyên nhân gây tai nạn mô tô, xe máy, ô tô, các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông từ đó nâng cao trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông…

        Về hình thức cần tiếp tục sử dụng nhiều hình thức thiết thực, có hiệu quả như: thông qua hội nghị, hội thảo; thông qua các hội thi tìm hiểu pháp luật; thông qua Cổng thông tin điện tử; các phương tiện thông tin đại chúng; biên soạn và phát hành các loại tài liệu pháp luật phổ thông; bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền thông qua các bảng tin công cộng bao gồm cả bảng tin điện tử; tăng cường các loại tờ rời, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động; tuyên truyền tác hại của rượu, bia với hình ảnh trực quan, sinh động.

        Chú trọng hơn nữa việc tuyên truyền các thông điệp, khẩu hiệu như: “Tính mạng con người là trên hết”; “Đã uống rượu, bia không lái xe”; “Không phóng nhanh vượt ẩu”; “Không sử dụng điện thoại khi lái xe”; “Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy”; “Đi đúng phần đường, làn đường”…

        Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Vì vậy, để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông thì một trong các giải pháp cần thiết là tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông. Cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó cần quan tâm lựa chọn các nội dung và hình thức phù hợp để đảm bảo thiết thực, có chất lượng. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và về lĩnh vực an toàn giao thông nói riêng sẽ góp phần quan trọng đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh./.

                                                                                    -Hoa Phượng

 

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN