Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản của Chủ tịch UBND các cấp

        Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 36/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Bên cạnh việc quy định các hành vi và mức xử phạt thì thẩm quyền xử phạt của các cơ quan, tổ chức cũng là một trong những nội dung đáng quan tâm của Nghị định này. Nhất là trong thời điểm Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chuẩn bị có hiệu lực. Theo đó, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP đã phân định rõ phạm vi xử phạt thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tại Điều 64 của Nghị định.

        Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền áp dụng các hình phạt chính là phạt cảnh cáo và phạt tiền đến 5.000.000 đồng; áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là tịch thu phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 5.000.000 đồng. Ngoài ra, còn có thể áp dụng 10/19 biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g, h, k, m và o khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

        So với Nghị định số 33/2017/NĐ-CP, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP đã bỏ thẩm quyền áp dụng của chủ tịch UBND cấp xã đối với 02 biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể:

        (i) Buộc phải khai thác đúng phương pháp khai thác quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản; đúng hệ thống khai thông, chuẩn bị (đối với khai thác hầm lò), hệ thống mở vỉa (đối với khai thác lộ thiên); đúng trình tự khai thác; đúng hệ thống khai thác; đúng các thông số của hệ thống khai thác, gồm: chiều cao tầng, góc dốc sườn tầng; đổ thải đúng vị trí đã xác định trong Thiết kế mỏ/Báo cáo kinh tế kỹ thuật được phê duyệt; đúng khung thời gian khai thác hoặc đúng số lượng, chủng loại thiết bị khai thác trong giấy phép hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép (đối với cát, sỏi lòng sông, suối, hồ);

        (l) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hư hỏng hạ tầng kỹ thuật; thực hiện việc nâng cấp, duy tu, xây dựng đường giao thông.

        Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền phạt cảnh cáo và áp dụng mức phạt tiền cao nhất đến 50.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 24 tháng và đình chỉ hoạt động lập, thực hiện đề án, dự án về tài nguyên nước; đình chỉ hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên nước, thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 12 tháng. Ngoài ra, chủ tịch UBND cấp huyện có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 và áp dụng tất cả 19 biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định.

        So với Nghị định số 33/2017/NĐ-CP, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP đã tách biện pháp “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm” thành điểm r khoản 3 Điều 4 Nghị định và cụ thể hóa đối với nội dung này. Đồng thời bổ sung 02 biện pháp khắc phục khác đó là (s) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định và đo đạc trong trường hợp có hành vi vi phạm(t) Buộc thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, thực hiện đầy đủ các giải pháp đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn.

        Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền áp dụng các hình thức xử phạt chính đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản là phạt cảnh cáo, phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 24 tháng và đình chỉ hoạt động lập, thực hiện đề án, dự án về tài nguyên nước; đình chỉ hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên nước, thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 12 tháng.

        Mức phạt tiền tối đa thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh là 250.000.000 đồng đối với cá nhân và 500.000.000 đồng đối với tổ chức cho một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và là 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức cho một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản.

        Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.

        Việc xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 4 Nghị định này, theo đó, mỗi cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ chỉ bị áp dụng 01 hình phạt chính nhưng có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả tùy theo tính chất, mức độ phạm tội.

        Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 5 năm 2020. Đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện, đang xem xét giải quyết, hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành nhưng chưa thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành, mà tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính có khiếu nại thì áp dụng các quy định của Nghị định này để xử lý nếu các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong Nghị định này có lợi cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính./.

Việt Phương

 TIN TỨC LIÊN QUAN