Thực hiện lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được xem là biện pháp chiến lược để đạt được mục tiêu bình đẳng giới (BĐG). Đây không phải là một yêu cầu mới mà đã được đặt ra từ năm 2006 sau khi Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua. Theo đó, việc lồng ghép BĐG trong xây dựng văn bản QPPL bao gồm:
Xác định vấn đề giới và các biện pháp giải quyết trong lĩnh vực mà văn bản QPPL điều chỉnh: Từ việc đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành và phân tích các số liệu thực tiễn có tách biệt theo giới để xác định các vấn đề đang có sự bất bình đẳng giới, có phân biệt đối xử về giới trong các lĩnh vực do văn bản QPPL điều chỉnh; xác định nguyên nhân gây nên vấn đề giới; đưa ra các phương án và các biện pháp giải quyết, trong đó có biện pháp ban hành văn bản QPPL.
Dự báo tác động của các quy định trong văn bản QPPL khi được ban hành đối với nữ và nam: Trong đó chú ý các tác động đến vị trí của nam, nữ trong đời sống xã hội và gia đình, đến cơ hội, điều kiện phát huy năng lực của nam, nữ cho sự phát triển của cộng đồng, gia đình và cá nhân; đến việc nam, nữ thụ hưởng các kết quả của sự phát triển. Việc đánh giá phải dựa trên việc thu thập, phân tích thông tin và các dữ liệu cần thiết, có đánh giá định tính và định lượng; đồng thời đánh giá nhận thức, thái độ của xã hội đối với việc lồng ghép BĐG.
Xác định trách nhiệm và nguồn lực để giải quyết vấn đề giới trong phạm vi văn bản QPPL điều chỉnh: Bao gồm cả trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, của tổ chức, cá nhân trong xã hội với việc bảo đảm các nguồn lực về tài chính và con người.
Thực hiện quy định của Luật, trong thời gian qua có không ít dự thảo văn bản QPPL khi trình thông qua hoặc ban hành đã có sự lồng ghép về vấn đề bình đẳng giới. Tuy nhiên, nhìn chung việc lồng ghép này còn mang tính hình thức, chất lượng không cao. Mặc dù Luật Bình đẳng giới ban hành đã 08 năm, nhưng một số người vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc cần thiết bảo đảm BĐG; Nhiều người tuy ý thức được tầm quan trọng của việc bảo đảm BĐG nhưng hiểu về BĐG chưa đầy đủ, chưa nắm chắc các khái niệm cơ bản về giới, BĐG, phân biệt đối xử giới, biện pháp thúc đẩy BĐG, các quy định về lồng ghép giới. Do đó khi đánh giá, nhận xét về văn bản dưới góc độ giới vẫn còn theo cảm tính, chưa bắt đầu từ việc xác định vấn đề giới trong văn bản. Chính vì vậy, còn tình trạng hiểu về việc bảo đảm BĐG trong văn bản một cách đơn giản và chưa thật đúng về lồng ghép giới.
Nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế trong việc thực hiện lồng ghép BĐG trong xây dựng văn bản QPPL thời gian qua có thể kể đến đó là: Lồng ghép giới là một vấn đề khó, chúng ta còn chưa có kinh nghiệm. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác BĐG, có kỹ năng trong lồng ghép giới mới chỉ được tiến hành bước đầu. Pháp luật về BĐG cũng như văn bản hướng dẫn về thực hiện lồng ghép BĐG trong xây dựng văn bản QPPL còn thiếu, chưa thật cụ thể, gây lúng túng trong quá trình thực hiện.
Lồng ghép BĐG trong xây dựng văn bản QPPL là yêu cầu cần kíp hiện nay đòi hỏi cần phải được hoạch định cụ thể nhằm thực hiện quy định của Luật Bình đẳng giới, góp phần bảo đảm công bằng xã hội. Đặc biệt là sau khi “Thông tư về lồng ghép vấn đề bính đẳng giới trong xây văn bản quy phạm pháp luật” được Bộ Tư pháp ban hành thì vấn đề này cần được chú trọng tăng cường thực hiện hơn nữa.
Để hỗ trợ cho việc thực hiện vấn đề trên được tốt hơn trong thời gian tới, xin được giới thiệu tới các đồng nghiệp và độc giả “Bộ công cụ lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật” do đồng chí Dương Thanh Mai - Chuyên viên cao cấp, Bộ Tư pháp soạn thảo và phổ biến tại “Hội nghị tập huấn về Công ước loại bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và Bộ công cụ lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật” do Bộ Tư pháp tổ chức.
Thành Trung