Thực trạng nữ giới phạm tội, nguyên nhân và giải pháp

 

 

Nói về người phụ nữ Việt Nam, ta luôn nhắc đến bốn chữ “công, dung, ngôn, hạnh”, những người phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” ấy đã đóng góp một phần không nhỏ trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, xây dựng quê hương. Cũng chính vì thế mà người phụ nữ luôn được tôn trọng, bảo vệ và tôn vinh trong các ngày Lễ lớn của đất nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thực trạng nữ giới vi phạm pháp luật đang có xu hướng gia tăng.  

 

Trao đổi với chúng tôi, thẩm phán Hồ Đức Quang - TAND tỉnh Hà Tĩnh cho hay: Từng trực tiếp tham gia xét xử rất nhiều vụ án có bị cáo là nữ tôi thấy “Số lượng nữ giới phải hầu tòa thời gian qua có xu hướng tăng so với năm 2018”. Đáng nói, các bị cáo nữ đều đóng vai trò chủ mưu trong những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây rúng động dư luận trên địa bàn tỉnh.

 

Điển hình có vụ siêu lừa M. T. L hơn 7,5 tỷ đồng; N. T. O (SN 1988, trú Tân Giang, TP. Hà Tĩnh) hơn 5 tỷ đồng; N.T.T.H (SN 1976), trú tại tổ 9, phường Tân Giang, TP. Hà Tĩnh về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy; Đ. T.N cầm đầu đường giây lô đề với số tiền giao dịch 300 triệu đồng…

 

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nữ giới vi phạm pháp luật như hiên nay là do sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức, phẩm chất, lối sống,có người còn rất trẻ đã phải đứng trước vành móng ngựa. Bên cạnh đó, nhiều người đã quen với lối sống hưởng thụ, lười lao động, kiếm lời từ sức lao động của người khác. Phần nữa, sự nhẹ dạ, cả tin của người dân cũng là cơ hội để các tội phạm nói chung và nữ giới nói riêng “có đất dựng võ”.

 

Trước tình trạng và nguyên nhân nêu trên, để ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng phụ nữ phạm tội trong thời gian tới, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần tập trung vào các giải pháp sau đây:

 

Thứ nhất, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cần quán triệt Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban bí thư Trung ương về tiếp tục đẩy mạng công tác phụ nữ trong tình hình mới; coi công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

 

Thứ hai,tiếp tục đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, để nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho phụ nữ nhằm hạn chế phụ nữ mắc các tệ nạn xã hội. Trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án có bị can, bị cáo là phụ nữ, cần thiết phải có người tiến hành tố tụng là nữ giới để có cái nhìn khách quan, từ đó có thể chia sẻ, đánh giá đúng bản chất vụ việc để rồi có biện pháp xử lý phù hợp, thể hiện được tính giáo dục, phòng ngừa là chính, nhất là đối với các trường hợp vì hoàn cảnh mà dẫn đến phạm tội..   

 

Thứ ba, gia đình, xã hội cần quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện lao động, sinh hoạt và học tập của phụ nữ nói chung và phụ nữ trẻ nói riêng. Cần có nhiều giải pháp, việc làm cụ thể để giải quyết các vấn đề như thất nghiệp, thiếu việc làm, giải quyết các ảnh hưởng đối với lao động không có tay nghề mà số đông là nữ; tăng cường quản lý nhà nước về các hoạt động dịch vụ xã hội, không để các loại hình văn hóa độc hại làm ảnh hưởng đến mỗi người và mỗi gia đình, nhất là phụ nữ nông thôn - đối tượng yếu thế trong xã hội.

 

Hi vọng, trong thời gian tới việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng nữ giới vi phạm pháp luật và hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “chịu thương, chịu khó”, “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” sẽ tiếp tục được gìn giữ và phát huy./.

 

Kim Oanh

 TIN TỨC LIÊN QUAN