Thực trạng về quản lý, sử dụng vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Thời gian qua tình trạng tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vẫn còn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Theo thống kê của Công an tỉnh Hà Tĩnh, năm 2019 trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ xử lý 60 vụ, 65 đối tượng, thu 68 khẩu súng, 371 linh kiện chế tạo súng, vận động thu hồi 3 khẩu súng quân dụng, 10 khẩu súng thể thao, 44 súng săn, súng có tính năng tác dụng tương tự, 7,5kg thuốc nổ và gần 4 ngàn viên đạn…..tình trạng các đối tượng sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhất là vũ khí, súng, súng săn, súng tự chế, vũ khí có tính năng tương tự, vũ khí thô sơ để hoạt động phạm tội, giết người, cướp, trả thù cá nhân, đòi nợ thuê, gây rối trật tự công cộng diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp, đặc biệt có nhiều vụ việc đáng tiếc xẩy ra.

Nguy cơ từ vũ khí “nóng”

Tháng 9/2018 do mâu thuẫn trong quá trình làm ăn nên anh Lê Hoàng Anh (SN 1988, ở thôn Yên Cường, xã Đức Lạc - Đức Thọ) đã bắn chết anh Trần Cao Nguyên (SN 1984 trú tại thôn 3, xã Đức Thanh); Ngày 29/12/2019, một vụ án liên quan đến sử dụng vũ khí đã xảy ra tại thôn Quý Hòa, xã Cẩm Hòa (huyện Cẩm Xuyên). Kết quả điều tra ban đầu của công an huyện Cẩm Xuyên cho biết, xuất phát từ mâu thuẫn trong lúc uống rượu, 2 nhóm thanh niên xã Cẩm Hòa và Cẩm Yên đã xảy ra mâu thuẫn. Ngay lúc đó, đối tượng Nguyễn Trọng Lựu (SN 1984, trú tại thôn Hồ Phượng, xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Xuyên) đã về nhà lấy một khẩu súng săn tự chế PCP quay trở lại quán nhậu bắn trọng thương anh Nguyễn Doãn Nguyên (SN 1994, trú tại thôn Quý Hòa, xã Cẩm Hòa) bị thương nặng.

Thực tế, công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cũng gặp không ít khó khăn, bất cập. Theo Đồng chí Phan Quốc Anh, phó trưởng phòng PC 64 Công an tỉnh, các đối tượng mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ thường thực hiện giao dịch công khai trên các trang mạng xã hội, không có địa chỉ cụ thể mà chỉ là địa chỉ ảo nên gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Các dịch vụ vận chuyển hàng hóa hiện nay chủ yếu là mua bán phụ kiện về lắp ráp nên việc quản lý cũng chưa được chặt chẽ đã tạo cơ hội cho các đối tượng thực hiện hành vi mua bán, vận chuyển trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Ngoài ra, lượng vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ sót lại sau chiến tranh vẫn còn trong Nhân dân nhưng công tác vận động thu hồi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

   Phối hợp nhiều giải pháp

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ số 14/2017/QH14 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 đã đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Đặc biệt ngày 25/11/2019 Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ  đã tạo hành lang pháp lý cho lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ, đồng thời huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng tham gia công tác này. Do đó trong thời gian tới các cơ quan nhà nước cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các văn bản hướng dẫn thi hành với những nội dung phù hợp cho từng đối tượng cụ thể nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân, nhất là đối với người trực tiếp làm công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; vận động cán bộ, Nhân dân tự giác chấp hành tốt các quy định của pháp luật, tham gia phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là giải pháp quan trọng nhằm khắc phục những tồn tại đang đặt ra./.

 Kim Oanh

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN