Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh

 

Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp và vi phạm pháp luật theo quy định. Hòa giải ở cơ sở đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Thông qua việc phát hiện và giải quyết kịp thời tận gốc những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong nhân dân, hòa giải ở cơ sở giúp giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết cộng đồng; phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm ở cơ sở, góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa bàn dân cư, giảm bớt tình trạng gửi đơn thư, khiếu kiện lên Tòa án nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân; đồng thời góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật trong cán bộ và nhân dân, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức thượng tôn pháp luật.

 

Nhận thức rõ vị trí, vai trò và ý nghĩa to lớn của công tác hòa giải ở cơ sở nên Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác này, luôn coi việc khuyến khích, tăng cường công tác hòa giải là một chủ trương nhất quán trong nguyên tắc quản lý xã hội. Tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 xác định: “khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”. Năm 2013, Quốc hội ban hành Luật hòa giải ở cơ sở, sau đó Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở. Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp ban hành Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBMTTQVN ngày 18/11/2014 hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 619/QĐ-TTg ban hành quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật quy định công tác hòa giải ở cơ sở là một trong trong năm tiêu chí thành phần đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Theo quy định này thì tiêu chí hòa giải ở cơ sở có số điểm là 10 điểm trên tổng số điểm đánh giá là 100. Các văn bản trên đây là cơ sở chính trị – pháp lý quan trọng cho việc tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên và công tác hòa giải ở cơ sở.

 

Đối với tỉnh Hà Tĩnh, sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở được ban hành, Sở Tư pháp đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Luật trên địa bàn tỉnh với nhiều nội dung cụ thể như: hoàn thiện thể chế về hòa giải ở cơ sở, kiện toàn các tổ hòa giải, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên… Năm 2015, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 166/2015/NQ-HĐND quy định mức chi thực hiện công tác PBGDPL và hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Năm 2019, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND về nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022 trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, hằng năm, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch công tác công tác tư pháp, trong đó có nội dung về hòa giải ở cơ sở, xác định rõ nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện trong từng năm. Để đảm bảo thực hiện thống nhất và có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, Sở ban hành nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn công tác này để các địa phương triển khai thực hiện. Căn cứ khung chương trình đào tạo do Bộ Tư pháp ban hành, Sở Tư pháp phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên sâu hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng về hòa giải ở cơ sở cho các hòa giải viên. Đặc biệt, năm 2018 được sự hỗ trợ của Dự án hỗ trợ quản trị nhà nước theo hướng tăng trách nhiệm giải trình, đáp ứng được tại tỉnh Hà Tĩnh (RALG),UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi ở địa phương, đồng thời tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi cấp tỉnh, kết hợp với tổng kết 05 thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và 05 năm triển khai Ngày pháp luật nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hội thi được tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa, thu hút 668 hòa giải viên tham gia. Đây là hoạt động thiết thực, bổ ích để đội ngũ Hòa giải viên tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ và là kênh thông tin quan trọng để phổ biến các văn bản, chính sách pháp luật đến người dân.

 

Trong thời gian qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển, đội ngũ hòa giải viên luôn nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm và tự nguyện. Hoạt động hoà giải đã từng bước được nâng cao về chất lượng, tổ chức và hoạt động ngày một đi vào nề nếp, có hiệu quả. Hiện nay, toàn tỉnh có 2061 thôn, bản, tổ dân phố với 2129 tổ hoà giải (không có thôn, tổ dân phố nào trên địa bàn không có tổ hoà giải), 15.201 hòa giải viên, trong đó số hòa giải viên nam là 10.773 người, nữ là 4.428 người; số hòa giải viên có trình độ chuyên môn luật là 224, trình độ khác là 14.977 người. Chất lượng hòa giải cũng được nâng cao, theo đó, tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 81% (Năm 2016 có 2619 vụ, việc trong đó hòa giải thành 2203 vụ, việc; Năm 2017 có 2027 vụ, việc trong đó hòa giải thành 1647 vụ, việc; Năm 2018 có 1523 vụ, việc trong đó hòa giải thành 1238 vụ, việc).Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở đã giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ phát sinh trong cộng đồng dân cư, góp phần vào việc giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân, duy trì và phát huy những tình cảm, truyền thống, đạo lý tốt đẹp trong mỗi gia đình và cộng đồng, ngăn chặn và phòng ngừa kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ một số hạn chế và tồn tại như: Một số địa phương chưa nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở đối với đời sống xã hội nên thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực cho công tác hòa giải ở cơ sở, chưa phát huy hết trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương. Đặc biệt tại cấp xã, lực lượng công chức Tư pháp – Hộ tịch xã, phường, thị trấn còn mỏng lại kiêm nhiệm nhiều công việc, nên chưa dành nhiều thời gian cho công tác hòa giải cơ sở. Việc phân định trách nhiệm và cơ chế phối hợp của MTTQVN, các tổ chức thành viên của Mặt trận với cơ quan Tư pháp ở một số đơn vị, địa phương chưa cụ thể dẫn đến tình trạng nhiều nơi cho rằng công tác hòa giải ở cơ sở là công việc, trách nhiệm của ngành Tư pháp. Do vậy, dẫn đến sự phối hợp trong công tác hòa giải chưa được thực hiện một cách thường xuyên, chặt chẽ, thiếu sự chủ động dẫn đến hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở chưa cao. Trong đội ngũ hòa giải viên, một số hoà giải viên còn hạn chế về nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng hoà giải ở cơ sở. Kinh phí dành cho công tác hòa giải ở cơ sở còn rất hạn hẹp, có địa phương chỉ bố trí chung trong kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật nên chủ yếu phục vụ hoạt động tập huấn lồng ghép với hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật chung, nội dung về hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên hay việc xây dựng, cung cấp tài liệu cần thiết cho hòa giải viên chưa thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, mặc dù tại Nghị quyết số 166/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã quy định cụ thể mức chi thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh nhưng qua công tác kiểm tra cho thấy nhiều địa phương không bố trí kinh phí đảm bảo cho hoạt động của các tổ hòa giải, hỗ trợ hòa giải viên trong các vụ việc hòa giải thành như quy định của Nghị quyết.

 

Để nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới, cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội, vận động người dân tích cực giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thông qua hòa giải ở cơ sở. Rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên, đội ngũ công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở; đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng, tập huấn, biên soạn và cung cấp tài liệu thiết thực cho các hòa giải viên. Duy trì có hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát và khen thưởng việc thực hiện quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Đặc biệt tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Tư pháp với Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên.

 

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, tin tưởng rằng trong thời gian tới, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh tiếp tục được nâng cao về chất lượng, từ đó góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà./.

         

 Thiều Chiên

 TIN TỨC LIÊN QUAN