Tình hình thực hiện đăng ký khai tử ở tỉnh Hà Tĩnh - Thực trạng và giải pháp

        Đăng ký và quản lý hộ tịch nói chung, đăng ký khai tử nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần tạo cơ sở pháp lý để người dân được công nhận các quyền con người, quyền, nghĩa vụ công dân và để Nhà nước bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của họ, có biện pháp quản lý dân cư một cách khoa học, phục vụ thiết thực cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

        Trong những năm qua, Sở Tư pháp đều ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác hộ tịch; Thường xuyên theo dõi, bám sát việc thực hiện pháp luật hộ tịch ở địa phương, kịp thời chấn chỉnh tình trạng đăng ký hộ tịch sai sót, trái quy định của pháp luật. Cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh cũng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để công tác hộ tịch nói chung và đăng ký hộ tịch nói riêng đi vào nề nếp, đạt được những kết quả quan trọng. Đặc biệt là trong công tác đăng ký khai tử, tỷ lệ đăng ký đúng hạn được nâng lên, khắc phục được phần nào tình trạng đăng ký quá hạn hoặc không đăng ký xảy ra từ nhiều năm trước. Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh đã đăng ký khai tử cho 41.410 trường hợp (có 6 trường hợp có yếu tố nước ngoài), trong đó năm 2016: 6.311 trường hợp; năm 2017: 8.492 trường hợp; năm 2018: 8.805 trường hợp; năm 2019: 8.890 trường hợp; năm 2020: 8.912 trường hợp.

        Để thực hiện tốt công tác hộ tịch nói chung, công tác đăng ký khai tử nói riêng, tỉnh ta đã thực hiện tốt công tác kiện toàn đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tất cả các địa phương đã trang bị cho công chức làm công tác hộ tịch máy tính có kết nối mạng internet để thực hiện quản lý hộ tịch trên phần mềm theo quy định. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1647/QĐ-UBND ngày 03/6/2019 về việc công bố danh mục và quy trình thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, tạo cơ sở cho việc phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện liên thông các TTHC, đúng quy trình, quy định, đảm bảo giải quyết kịp thời, chính xác yêu cầu của người dân. Qua đó góp phần giảm thiểu thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính; nâng cao sự hài lòng của người dân trong quá trình yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính.

        Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đăng ký khai tử ở Hà Tĩnh cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: Tình trạng đăng ký khai tử quá hạn hoặc không đăng ký khai tử vẫn còn diễn ra. Nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận người dân không quan tâm đến quyền và nghĩa vụ đăng ký khai tử, chỉ thực hiện đăng ký khai tử khi liên quan đến việc hưởng chế độ chính sách như hưởng chế độ mai táng phí… Vẫn còn tình trạng chênh lệch giữa số lượng đăng ký khai tử và số lượng tử vong thực tế. Có những trường hợp mất nhưng không đăng ký khai tử nên không quản lý được tổng số việc tử phát sinh thực tế. Việc đăng ký hộ tịch bằng phần mềm hộ tịch mặc dù được trang bị máy vi tính, cài đặt phần mềm hộ tịch nhưng nhiều cán bộ vẫn còn lúng túng khi sử dụng (đặc biệt là công chức lớn tuổi,ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế).

        Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác đăng ký khai tử, cần thực hiện một số giải pháp sau:

        Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với công tác hộ tịch. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Hộ tịch và các văn bản có liên quan đến công tác hộ tịch để nâng cao nhận thức của người dân về quyền, trách nhiệm đăng ký hộ tịch. Củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuẩn hóa đội ngũ công chức tư pháp hộ tịch đảm bảo chất lượng theo định của Luật Hộ tịch. Tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho đội ngũ công chức tư pháp hộ tịch ở cơ sở.

        Thứ hai, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong quản lý, đăng ký hộ tịch, khắc phục tình trạng còn có sự chênh lệch trong thống kê số liệu thực tế và số liệu đăng ký.

        Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, sai phạm được phát hiện qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc kiến nghị, phản ánh của công dân./.

Kim Lân

 TIN TỨC LIÊN QUAN