Tình hình triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin

        Quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản, quan trọng của công dân, được ghi nhận và khẳng định trong Hiến pháp năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về quyền tiếp cận thông tin của công dân là cơ sở để làm tăng tính hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước cũng như nhằm bảo đảm sự dân chủ, công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

        Thực hiện Quyết định số 1408/QĐ-TTg ngày 15/7/2016 về của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Luật tiếp cận thông tin, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 296/KH-UBND ngày 13/9/2016 về triển khai Luật tiếp cận thông tin trên địa bàn tỉnh, đồng thời tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến cho đội ngũ cán bộ cốt cán của cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã thông qua hình thức trực tuyến, Bộ Tư pháp đã quan tâm cử chuyên gia giúp tỉnh làm báo cáo viên tại hội nghị này. Trên cơ sở đó Sở Tư pháp đã ban hành văn bản hướng dẫn; cung cấp đầy đủ các văn bản, tài liệu do Bộ Tư pháp biên soạn; xây dựng đề cương giới thiệu Luật gửi đến các sở, ngành, địa phương và đăng tải rộng rãi trên Trang thông tin điện tử của Sở để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh truy cập, tìm hiểu. Vì vậy đến nay cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã triển khai thực hiện Luật tiếp cận thông tin một cách kịp thời, nghiêm túc và đạt được những kết quả tích cực, cụ thể: 100% các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã đã ban hành  Kế hoạch triển khai thi hành Luật; xây dựng và công khai Quy chế cung cấp thông tin cho công dân, tổ chức  hoặc lồng ghép quy định việc cung cấp thông tin cho công dân trong Quy chế hoạt động, Quy chế tiếp công dân của cơ quan, đơn vị; đã tổ chức xây dựng và vận hành cổng (trang) thông tin điện tử để cung cấp thông tin cho công dân; thực hiện rà soát, phân loại lập danh mục các thông tin phải được công khai và thông tin không được công khai; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các cấp ban hành liên quan đến quyền tiếp cận thông tin, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để phù hợp với quy định  tại Điều 3 của Luật Tiếp cận thông tin.

        Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác triển khai thi hành vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Công tác tuyên tuyền phổ biến vẫn còn hình thức nên người dân, đặc biệt là ở những khu vực miền núi, vùng sâu, vẫn chưa nắm bắt và hiểu rõ được các quy định liên quan đến quyền tiếp cận thông tin được quy định trong luật; việc xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu thông tin mà cơ quan cung cấp, không cung cấp chưa được triển khai thực hiện; cán bộ được giao làm đầu mối cung cấp thông tin của các cấp, các ngành chủ yếu kiêm nhiệm, chưa được tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về hoạt động cung cấp thông tin do đó chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động cung cấp thông tin của cơ quan, đơn vị; nguồn kinh phí bố trí cho hoạt động cung cấp thông tin còn hạn chế.

        Để Luật tiếp cận thông tin đi vào cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thông tin của công dân, trong thời gian tới các đơn vị, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về “Quyền tiếp cận thông tin của công dân”; các cơ quan hành chính nhà nước cần thực hiện kịp thời các nhiệm vụ, trách nhiệm để đảm bảo cho mọi người dân được tiếp cận thông tin một cách dễ dàng, thuận lợi thông qua việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện “Quy chế cung cấp thông tin cho công dân” theo đúng quy định; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp thông tin để cung cấp nhanh gọn, đầy đủ, chính xác thông tin mà công dân yêu cầu trên các Cổng/Trang thông tin điện tử, Website, email.

        Việc thực hiện các nhiệm vụ trên sẽ tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin, từ đó phát huy được phương châm “Dân biết, Dân bàn, Dân kiểm tra”. Đồng thời tăng cường cơ chế để Nhân dân giám sát được sự minh bạch, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của cơ quan nhà nước trong quá trình thực thi công vụ, có như thế người dân mới tin tưởng, ủng hộ và tham gia tích cực vào các hoạt động quản lý nhà nước trong thời gian tới./.

Kim Oanh

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN