Tính hợp pháp trong văn bản QPPL

          Tính hợp pháp trong văn bản quy phạm pháp luật là một trong những nguyên tắc đã được quy định trong Điều 5 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo từ điển Tiếng Việt thì hợp pháp là: “đúng với pháp luật, không trái với pháp luật”. Vì vậy, để thực hiện tốt nguyên tắc này, chúng ta cần chú ý một số vấn đề sau:

          Một là xem xét về thẩm quyền ban hành văn bản

          Cần xem xét ở 2 khía cạnh đó là thẩm quyền về nội dung và thẩm quyền về hình thức. Theo đó, liên quan đến thẩm quyền về nội dung thì tại Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phép HĐND tỉnh ban hành văn băn bản QPPL để quy định về các nội dung: 1) Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; 2) Chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; 3) Biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương; 4) Biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điều 28 thì UBND tỉnh được ban hành văn bản để quy định về các nội dung: 1) Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; 2) Biện pháp thi hành Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương; 3) Biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương. Còn đối với HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã được ban hành văn bản QPPL trong trường hợp luật, Nghị quyết của Quốc hội giao và phân cấp cho chính quyền cấp dưới (Điều 30 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2020).

          Về hình thức, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì HĐND ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hình thức Nghị quyết, UBND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức Quyết định (đây là điểm mới của Luật 2015 so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND, theo đó đã bỏ hình thức Chỉ thị quy phạm pháp luật của UBND tỉnh).

          Hai là xem xét về nội dung của văn bản

          Tính hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật cần phải bảo đảm tuân thủ thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản trong hệ thống pháp luật. Ở địa phương văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phải phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan và người có thẩm quyền ở trung ương như luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, các nghị quyết liên tịch, thông tư liên tịch,...và các văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp trên, nếu là văn bản của Ủy ban nhân dân còn phải phù hợp với văn bản của Hội đồng nhân dân cùng cấp. Ngoài ra, còn phải đối chiếu với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia khi ban hành các văn bản QPPL để đảm bảo cho các văn bản QPPL không trái với các cam  kết quốc tế đó.

          Ba là phải tuân thủ quy định về thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

          Luật Ban hành văn bản QPPL quy định quy định cụ thể về trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ trung ương đến địa phương. Theo đó, đối với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh thì Luật cũng quy định quy trình này tại Chương VIII và Chương IX. Đồng thời đây, vi phạm quy định này cũng thuộc một trong những hành vi bị cấm tại Điều Luật ban  hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó cần nghiên cứu kỹ quy định này để đảm bảo thực hiện nghiêm túc nguyên tắc này khi xây dựng văn bản QPPL

          Bốn là phải tuân thủ những quy định của pháp luật về thể thức và kĩ thuật trình bày.

          Trước đây về thể thức và kĩ thuật trình bày văn bản quy phạm luật của địa phương được thực hiện theo quy định Thông tư liên tịch số 55/2/TTLT-BNV-VPCP hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản. Tuy nhiên, sau khi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì được thực hiện theo quy định tại Chương V Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ./

Hải Giang

 

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN