Trao đổi một số vấn đề cần chú ý khi thực hiện kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp

        Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật là việc xem xét, đánh giá, kết luận về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật được kiểm tra và xử lý văn bản trái pháp luật. Chương IV Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định cụ thể về hoạt động kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Để giúp người làm công tác này hình dung cụ thể hơn, xin trao đổi một số vấn đề cần chú ý khi thực hiện kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp:

          - Về đối tượng của kiểm tra văn bản, là văn bản quy phạm pháp luật (Nghị quyết của HĐND các cấp; Quyết định của UBND các cấp) và văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật (như: Quyết định, Công văn, Kế hoạch, Thông báo của UBND các cấp), văn bản có chứa quy phạm pháp luật, có thể thức như văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, người không có thẩm quyền ban hành (như: Quyết định của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị).

          - Về trách nhiệm thực hiện, cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản có trách nhiệm tự kiểm tra văn bản do mình ban hành, đồng thời thực hiện kiểm tra văn bản của cơ quan cấp dưới ban hành theo thẩm quyền. Đối với địa phương, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân giúp Hội đồng nhân dân thực hiện việc tự kiểm tra văn bản của Hội đồng nhân dân; Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tự kiểm tra văn bản QPPL do mình ban hành, đồng thời kiểm tra văn bản của HĐND, UBND cấp huyện; Chủ tịch UBND cấp huyện tự kiểm tra văn bản do mình ban hành, kiểm tra văn bản do của HĐND, UBND cấp xã. Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng phòng tư pháp cấp huyện, Công chức Tư pháp - Hộ tịch giúp Chủ tịch UBND cấp mình thực hiện tự kiểm tra, kiểm tra văn bản.

          - Về nội dung kiểm tra văn bản, được thực hiện ở các khía cạnh: về thẩm quyền ban hành văn bản; nội dung văn bản; căn cứ ban hành; thể thức, kỹ thuật trình bày và trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản.

            Kiểm tra về thẩm quyền ban hành văn bản là xem xét, đánh giá, kết luận về sự phù hợp thẩm quyền về nội dung và thẩm quyền về hình thức. Tức là xem xét văn bản đó có đảm bảo thẩm quyền về nội dung theo quy định tại Điều 27, 28 và 30 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các nội dung được giao quy định chi tiết tại các văn bản pháp luật chuyên ngành. Về hình thức thì kiểm tra văn bản đó có được ban hành đảm bảo theo hình thức từ khoản 9 đến khoản 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

          Kiểm tra về nội dung là xem xét đánh giá, kết luận về sự phù hợp của nội dung văn bản được kiểm tra với nội dung trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn để xác định văn bản có sự đồng bộ, phù hợp, không bị trái, mâu thuẫn với các văn bản khác trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Việc kiểm tra nội dung văn bản hết sức quan trọng, có thể coi là trọng tâm của kiểm tra văn bản QPPL.

          Xem xét về căn cứ pháp lý của văn bản, tức là phải phải xem xét văn đó có căn cứ pháp lý cho việc ban hành văn bản hay không. Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định “căn cứ ban hành văn bản là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn đang có hiệu lực hoặc đã được công bố hoặc ký ban hành chưa có hiệu lực nhưng phải có hiệu lực trước hoặc cùng thời điểm với văn bản được ban hành. Căn cứ ban hành văn bản bao gồm văn bản quy phạm pháp luật quy định thẩm quyền, chức năng của cơ quan ban hành văn bản đó và văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn quy định nội dung, cơ sở để ban hành văn bản”. Kết quả kiểm tra căn cứ pháp lý là cơ sở để cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản xác định và kết luận về thẩm quyền về hình thức và thẩm quyền về nội dung của văn bản, đồng thời xác định được sự cần thiết phải ban hành văn bản, nội dung và phạm vi vấn đề điều chỉnh của văn bản.

          Về thủ tục ban hành văn bản, Luật ban hành văn bản QPPL đã quy định rất rõ các trình tự thủ tục ban hành, đồng thời khoản 3 Điều 14 Luật cũng quy định việc ban hành văn bản không đảm bảo trình tự thủ tục cũng là một trong những hành vi bị cấm nên quá trình kiểm tra cần xem xét vấn đề này.

          - Về xử lý văn bản, quá trình kiểm tra phát hiện văn bản trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung, sai sót nghiêm trọng về trình tự thủ tục xây dựng ban hành văn bản, cơ quan tham mưu kiểm tra văn bản đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý bằng hình thức bãi bỏ; văn bản sai về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản thì đề nghị xử lý bằng hình thức đính chính theo quy định.

          Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ khó, ngoài việc nắm bắt quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP thì người làm công tác kiểm tra văn bản QPPL còn phải có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực văn bản điều chỉnh, vì vậy quá trình thực hiện nhiệm vụ phải thường xuyên trau dồi kỹ năng nghiệp vụ, nghiên cứu các văn bản pháp luật chuyên ngành, phát hiện đầy đủ, kịp thời nội dung trái pháp luật để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật./.

Hải Giang

 TIN TỨC LIÊN QUAN