Tuyên truyền PBGDPL qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở - một cách làm hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức cũng như hành động củacán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân, tuy nhiên với những khó khăn hạn chế khách quan và chủ quan thì công tác công tác PBGDPL vẫn chưa ngang tầm với việc quản lý xã hội bằng pháp luật, chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, đồng bộ và rộng khắp, còn thiếu cơ chế, kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn xã hội đối với công tác này. Mặt khác, đội ngũ báo cáo viên pháp luật huyện và lực lượng tuyên truyền viên pháp luật các xã hầu hết là kiêm nhiệm nên từng nơi, từng lúc việc nghiên cứu, biên soạn tài liệu tuyên truyền cũng như việc tham gia các buổi, đợt triển khai công tác PBGDPL xuống cơ sở còn hạn chế, thiếu đồng bộ dẫn đến hiệu quả chưa cao; một số cấp uỷ Đảng chưa quan tâm đúng mức, chưa quán triệt các văn bản luật mới ban hành cho cán bộ, đảng viên của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; một số lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chưa vận động và tạo điều kiện cho cán bộ và nhân dân tham gia học tập qua các đợt triển khai hội nghị PBGDPL tại huyện và các địa phương tổ chức; nhiều địa phương không tạo điều kiện về kinh phí cho hoạt động PBGDPL, chưa có kế hoạch tổ chức tập huấn cho lực lượng tuyên truyền viên pháp luật và hoà giải viên cơ sở; sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương còn thiếu chặt chẽ trong công tác PBGDPL và coi đây là một nhiệm vụ độc lập của ngành Tư pháp; các thành viên của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL từ huyện đến cơ sở chưa có kế hoạch giám sát việc thực hiện công tác này theo Quy chế của Hội đồng phối hợp đề ra; tủ sách pháp luật đã được xây dựng tại huyện và 23/23 xã, thị trấn nhưng hiệu quả khai thác và sử dụng còn thấp, số lượng người tham gia mượn đọc, nghiên cứu sách báo pháp luật còn quá ít; kinh phí đầu tư cho công tác PBGDPL còn quá hạn hẹp, thậm chí có địa phương không phân bổ mục chi theo quy định.

Từ những thực trạng nói trên, huyện Can Lộc lấy “công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở”làm trọng tâm, xuyên suốt trong công tác TTPBGDPL hiện nay.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và đặc biệt là tuyên truyền pháp luật ở vùng nông thôn, nơi mà điều kiện tiếp cận với các kênh thông tin còn rất nhiều hạn chế, thì công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần phải được quan tâm thực hiện một cách thường xuyên hơn, trong đó tuyên truyền pháp luật thông qua hệ thống truyền thanh ở cơ sở là hình thức tuyên truyền phù hợp và hiệu quả nhất.

Một trong những thế mạnh của hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở là biết cách tôn trọng người nghe và tác động nhanh, hiệu quả đến công chúng. Nói cách khác, sức hấp dẫn của hệ thống loa phát thanh ở cơ sở chính là ở là sự thân mật, gần gũi với công chúng, thính giả.Với mục tiêu thu hút thính giả, tạo ra sức sống cho làn sóng phát thanh, hệ thống phát thanh không chỉ quan tâm đến việc đem lại cho công chúng những thông tin nóng hổi, bổ ích, gần gũi với cuộc sống thường nhật của người nghe mà còn là ở cách thể hiện những thông tin đó một cách thân tình, gần gũi. Hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở sẽ quan tâm đến những thói quen và sở thích của từng nhóm công chúng, không ngừng cải tiến về hình thức để các hệ thống phát thanh ngày càng gần gũi hơn với người nghe, phù hợp với từng đối tượng nghe, đáp ứng thị hiếu ở từng độ tuổi.

Hệ thống truyền thanh cơ sở có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới cán bộ và nhân dân.So với các hình thức tuyên truyền pháp luật khác, thì hình thức tuyên truyền này có những lợi thế như: khả năng truyền tin nhanh, gần gũi với người dân ở cơ sở, đáp ứng và giải đáp kịp thời những băn khoăn, thắc mắc của người dân về các chính sách, pháp luật. Hình thức tuyên truyền này có khả năng tác động tới nhiều đối tượng trong cùng một thời gian, có thể thực hiện phát đi phát lại nhiều lần khi cần thiết.

Hình thức tuyên truyền pháp luật qua hệ thống truyền thanh cơ sở có nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, có ý nghĩa liên quan thiết thực với quyền lợi, nghĩa vụ của người dân được thực hiện dưới dạng Hỏi - đáp pháp luật, tiểu phẩm, giới thiệu các văn bản pháp luật mới ban hành. Việc tuyên truyền pháp luật qua hệ thống phát thanh đã giúp cho người dân hiểu được các quy định của pháp luật, từ đó đã nâng cao được ý thức chấp hành pháp luật và giúp vận dụng các quy định pháp luật vào thực tiễn cuộc sống.

Để tổ chức phổ biến, giới thiệu những văn bản pháp luật mới và văn bản pháp luật liên quan mật thiết đến chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức và đời sống của nhân dân, huyện Can Lộc đã tập trung vào ba nhóm chính: nhóm thứ nhất là các văn bản pháp luật phải tuyên truyền, phổ biến liên tục, thường xuyên thuộc cáclĩnh vực trọng điểm, như: an toàn giao thông; phòng, chống ma tuý, HIV/AIDS; an ninh trật tự; bảo vệ môi trường; khiếu nại, tố cáo...Nhóm thứ hai là các văn bản pháp luật có hiệu lực thi hành trong quý, trong năm (2016) như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hộ tịch, Luật căn cước công dân; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật... Nhóm thứ ba là các chính sách, quy định của các Bộ, ngành Trung ương và của tỉnh liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân về: đất đai, nhà ở, chế độ chính sách, đền bù giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư; đăng ký và quản lý hộ tịch; hôn nhân và gia đình; công chứng, chứng thực; hộ khẩu; bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, lao động; các quy trình, thủ tục hành chính… Bên cạnh đó, công tác phối hợp thực hiện rất quan trọng, nếu phối hợp tốt sẽ có những sản phẩm tuyên truyền mới, có tình thời sự cao. Nhận thức được vấn đề này, hàng tháng, hàng quý, Phòng Tư pháp chủ động phối hợp với các ngành, các cấp, nhất là các ngành như: Công an, Lao động thương binh và xã hội, nông nghiệp nông thôn, Đài phát thành - truyền hình… để in thâu băng đĩa và phát đến tận các thôn, xóm, tổ dân phố. Quá trình triển khai công tác này, để bảo đảm triển khai đúng kế hoạch, thời lượng phát thanh Phòng Tư pháp thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cơ sở.

Từ việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật nói chung mà đặc biệt là thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở đã tạo sự chuyển biến căn bản trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, hạn chế đơn thư khiếu nại và đặc biệt đơn thư khiếu nại vượt cấp, góp phần ngăn chặn và hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh và trật tự an toàn xã hội./.

 

          Viết Nghĩa - PTP huyện Can Lộc

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN