Tuyên truyền quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước phục vụ Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025

Bảo vệ Bí mật Nhà nước có vai trò quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của các trang mạng xã hội công tác bảo đảm an toàn với các thông tin thuộc bí mật Nhà nước gặp nhiều khó khăn và thách thức. Vì vậy, việc tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các quy định pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội là yêu cầu hết sức cần thiết.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2019 cả nước có hơn có 64 triệu người Việt sử dụng internet và mạng xã hội. Việt Nam là một trong 10 quốc gia có nhiều người dùng mạng xã hội nhất thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo vệ bí mật nhà nước càng trở nên cấp bách, quan trọng. Vì các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn coi việc tiếp cận, nắm bắt được các thông tin nhạy cảm liên quan đến chính trị, an ninh quốc gia, quốc phòng, quân sự, đối ngoại, kinh tế - xã hội… của đất nước là một trong những âm mưu để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” và tác động đến quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm ảnh hưởng đến nội bộ của ta.

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 không chỉ quy định phạm vi bí mật nhà nước liên quan đến các chiến lược an ninh chính trị, an ninh quốc gia, cơ yếu, quốc phòng, quân sự, đối ngoại…mà những nội dung như: Chiến lược, kế hoạch, đề án về công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; Quy trình chuẩn bị và triển khai, thực hiện công tác tổ chức, cán bộ; Thông tin về công tác bảo vệ chính trị nội bộ… cũng thuộc phạm vi bí mật theo quy định của Luật.

Trên thực tế, một số người làm việc trong bộ máy công quyền thường nghĩ rằng, chỉ có các tài liệu dán các nhãn “tuyệt mật", "tối mật", "mật” mới thuộc danh mục bí mật nhà nước nên nhiều người vẫn tự ý đưa lên mạng xã hội những địa điểm, hoạt động, lời nói thuộc diện bí mật nhà nước mà không biết rằng mình đang vi phạm pháp luật. Theo Điều 18 Nghị định 167/2013/NĐ-CP vi phạm quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước thì phạt tiền từ 1.000.000 đến 10.000.000 tùy vào mức độ vi phạm; Điều 337 Bộ Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định người cố tình làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước sẽ bị xử lý về hình sự, phạt tù từ 02 năm đến 15 năm tùy theo mức độ phạm tội.

Vì vậy, việc làm cần thiết hiện nay là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và các quy định của pháp luật có liên quan, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ bí mật nhà nước cho mọi người dân. Phải làm cho mọi người hiểu biết sâu sắc việc bảo vệ bí mật nhà nước nói chung, bảo vệ những thông tin nội bộ của cơ quan, đơn vị nói riêng là thiết thực góp phần xây dựng môi trường thông tin an toàn, môi trường văn hóa lành mạnh trên mạng xã hội, đồng thời góp phần phòng, chống, ngăn chặn âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch; Tăng cường khả năng “miễn dịch” trước các thông tin xấu; Chú trọng làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, nhân viên văn thư, bảo mật, cơ yếu và những người làm việc trong các cơ quan tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, nội chính, tư pháp, xuất nhập cảnh…; Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ để làm tốt công tác bảo mật đường truyền mạng, bảo mật cổng thông tin, trang thông tin điện tử; tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng tại cơ quan, đơn vị.

Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và Nhân dân trong việc thực hiện nghiêm Luật bảo vệ bí mật Nhà nước, đặc biệt trong thời điểm cả nước nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng đang tập trung tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng./.

 Kim Oanh

 TIN TỨC LIÊN QUAN