Văn bằng bảo hộ - Một số vấn đề bạn cần biết

        1. Văn bằng bảo hộ là gì?

        Theo định nghĩa tại Khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009: “Văn bằng bảo hộ là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân nhằm xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; quyền đối với giống cây trồng”.

        Nội dung của văn bằng bảo hộ bao gồm:

        - Ghi nhận chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu (chủ văn bằng bảo hộ);

        - Tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;

        - Đối tượng, phạm vi và thời hạn bảo hộ;

        - Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, các tổ chức và cá nhân có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó, tính chất đặc thù về điều kiện địa lý và khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý.

        2. Các loại văn bằng bảo hộ

        Theo quy định tại Khoản 3 Điều 92 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì văn bằng bảo hộ bao gồm:

        - Bằng độc quyền sáng chế;

        - Bằng độc quyền giải pháp hữu ích;

        - Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp;

        - Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn;

        - Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;

        - Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

        3. Hiệu lực của văn bằng bảo hộ

        Văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Hiệu lực của Văn bằng bảo hộ được trình bày cụ thể tại bảng sau:

Loại văn bằng

Hiệu lực

Gia hạn

Bằng độc quyền sáng chế

Từ ngày cấp và kéo dài đến hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn.

Không được gia hạn.

Bằng độc quyền giải pháp hữu ích

Từ ngày cấp và kéo dài đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn.

Không được gia hạn.

Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp

Từ ngày cấp và kéo dài đến hết 05 năm kể từ ngày nộp đơn.

Có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần 05 năm.

Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn

Từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau đây:

- Kết thúc 10 năm kể từ ngày nộp đơn;

- Kết thúc 10 năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới;

- Kết thúc 10 lăm năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí.

Không được gia hạn.

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Từ ngày cấp đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn.

Có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm

Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý

Vô thời hạn kể từ ngày cấp

-

Bảng: Hiệu lực của văn bằng bảo hộ.

        Duy trì và gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ:

        - Để duy trì hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích thì chủ Văn bằng bảo hộ phải nộp Tờ khai theo Mẫu 02-GH/DTVB, giấy ủy quyền hợp lệ (trường hợp yêu cầu nộp thông qua đại diện) và phí thẩm định yêu cầu duy trì hiệu lực, lệ phí duy trì hiệu lực và phí sử dụng văn bằng bảo hộ, phí đăng bạ và phí công bố thông báo về việc duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ trong vòng 06 tháng tính đến ngày kết thúc kỳ hạn hiệu lực.

        - Để gia hạn hiệu lực Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, trong vòng 06 tháng tính đến ngày Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực, chủ Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu phải nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ đơn yêu cầu gia hạn và phí thẩm định yêu cầu gia hạn, lệ phí gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ, phí sử dụng văn bằng bảo hộ, phí đăng bạ và phí công bố quyết định gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ.

        Mức lệ phí duy trì hoặc gia hạn hiệu lực các loại văn bằng bảo hộ và các khoản phí, lệ phí khác được quy định tại Thông tư 263/2016/TT-BTC.

        Lưu ý: Thủ tục duy trì/gia hạn hiệu lực có thể được thực hiện muộn hơn thời hạn quy định trên đây, nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc kỳ hạn hiệu lực (đối với thủ tục duy trì); không được quá 06 tháng kể từ ngày Văn bằng bảo hộ hết hiệu lực (đối với thủ tục gia hạn) và chủ văn bằng bảo hộ phải nộp thêm 10% lệ phí duy trì hiệu lực muộn cho mỗi tháng nộp muộn.

        4. Đăng ký bảo hộ sáng chế

        Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Giải pháp kỹ thuật ở đây là tập hợp những thông tin về cách thức và/hoặc phương tiện kỹ thuật nhằm giải quyết một nhiệm vụ cụ thể.

        Người nộp đơn có quyền đăng ký sáng chế khi thực hiện đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc hoặc thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác và thoả thuận đó không trái với quy định của pháp luật.

        Trường hợp người nộp đơn cùng với tổ chức, cá nhân khác tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế thì người nộp đơn và các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký sáng chế và quyền đăng ký này chỉ được thực hiện nếu tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.

        Điều kiện đăng ký sáng chế:

        Để có thể tiến hành đăng ký bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế tại Việt Nam thì người nộp đơn cần chú ý đối tượng đăng ký phải đáp ứng đủ ba tiêu chuẩn sau:

        Thứ nhất, có tính mới: tức là sáng chế chưa được bộc lộ công khai dưới dưới hình thức công bố, sử dụng hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên.

        Thứ hai, có trình độ sáng tạo: các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai không thể tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.

        Thứ ba, có khả năng áp dụng công nghiệp: nội dung sáng chế có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình và thu được kết quả ổn định.

        Ngoài ra, người nộp đơn muốn được bảo hộ sáng chế dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích thì đối tượng đăng ký phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

        - Có tính mới.

        - Có khả năng áp dụng công nghiệp.

        5. Đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

        Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.

        Ví dụ: Hình dáng bên ngoài của xe ôtô, xe máy hoặc hình dáng thể hiện của bao bì sản phẩm sẽ được gọi là kiểu dáng công nghiệp.

        Các trường hợp được quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp

        - Người yêu cầu có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp khi thực hiện đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc hoặc thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác và thoả thuận đó không trái với quy định của pháp luật;

        - Trường hợp người yêu cầu cùng với tổ chức, cá nhân khác tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra kiểu dáng công nghiệp thì người yêu cầu và các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp và quyền đăng ký này chỉ được thực hiện nếu tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.

        Điều kiện đăng ký kiểu dáng công nghiệp

        Để được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, đối tượng đăng ký phải đáp ứng các điều kiện sau:

        Thứ nhất, có tính mới: tức là kiểu dáng công nghiệp có sự khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp khác đã bộc lộ, công khai ở bất kỳ nơi nào trong nước hoặc trên thế giới trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên;

        Thứ hai, có tính sáng tạo: tức là căn cứ vào các kiểu dáng đã được bộc lộ, công khai trước, kiểu dáng công nghiệp đó không thể tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng;

        Thứ ba, có khả năng áp dụng công nghiệp: có thể hiểu là kiểu dáng công nghiệp có khả năng dùng mẫu để chế tạo lặp đi lặp lại hàng loạt sản phẩm có kiểu dáng giống hệt bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.

        6. Đăng ký bảo hộ thiết kế bố trí

        Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn. Như vậy, bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn là bảo hộ cách thức sắp xếp các phần tử mạch trên hoặc bên trong tấm vật liệu bán dẫn chứ không bảo hộ các phần tử mạch (IC, chíp) bởi bản thân các đối tượng IC, chíp đã được bảo hộ dưới dạng sáng chế.

        Lưu ý: Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa thiết kế bố trí:

        - Nguyên lý, quy trình, hệ thống, phương pháp được thực hiện bởi mạch tích hợp bán dẫn;

        - Thông tin, phần mềm chứa trong mạch tích hợp bán dẫn.

        Các trường hợp được quyền đăng ký thiết kế bố trí:

        - Người yêu cầu có quyền đăng ký thiết kế bố trí khi thực hiện đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc hoặc thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác và thoả thuận đó không trái với quy định của pháp luật;

        - Trường hợp người yêu cầu cùng với tổ chức, cá nhân khác tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra thiết kế bố trí thì người yêu cầu và các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký thiết kế bố trí và quyền đăng ký này chỉ được thực hiện nếu tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý;

        Điều kiện đăng ký thiết kế bố trí

        Thiết kế bố trí được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

        Thứ nhất, có tính nguyên gốc: tức là thiết kế đó phải là kết quả lao động sáng tạo của chính tác giả, không sao chép của người khác và chưa được biết đến một cách rộng rãi ngay thời điểm tạo ra thiết kế.

        Thứ hai, có tính mới thương mại: có thể hiểu là thiết kế bố trí chưa được khai thác thương mại như: sản xuất, mua bán, chuyển nhượng vì mục đích lợi nhuận tại bất cứ nơi nào trên thế giới trước ngày nộp đơn đăng ký.

        7. Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

        Doanh nghiệp được quyền đăng ký nhãn hiệu trong các trường hợp sau đây:

        - Doanh nghiệp có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.

        - Doanh nghiệp tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.

        - Doanh nghiệp là tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

        - Doanh nghiệp có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

        - Hai hoặc nhiều doanh nghiệp có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với những điều kiện sau:

        + Việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hoá, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh;

        + Việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ.

        8. Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý

        Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước. Cho nên, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được nhà nước cho phép mới có quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý và doanh nghiệp này không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.

        Ngoài ra, Cá nhân, tổ chức nước ngoài là chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý theo quy định pháp luật của nước xuất xứ cũng có quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý đó tại Việt Nam.

        9. Đăng ký bảo hộ giống cây trồng

        Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu. Vì vậy, người yêu cầu được quyền đăng ký bảo hộ quyền với giống cây trồng trong 04 trường hợp sau đây:

        -  Người yêu cầu chọn tạo giống cây trồng;

        - Người yêu cầu phát hiện và phát triển giống cây trồng;

        - Người yêu cầu đầu tư cho công tác chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng;

        - Người yêu cầu được chuyển giao quyền đối với giống cây trồng.

        Người yêu cầu thuộc các trường hợp nêu trên có thể là:

        + Tổ chức, cá nhân Việt Nam;

        + Tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc nước có ký kết với Việt Nam thoả thuận về bảo hộ giống cây trồng;

        + Tổ chức, cá nhân nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam;

        + Tổ chức, cá nhân nước ngoài có trụ sở hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại nước có ký kết với Việt Nam thoả thuận về bảo hộ giống cây trồng.

        Điều kiện đối với giống cây trồng

        Giống cây trồng được bảo hộ phải là giống cây trồng được chọn tạo hoặc được phát hiện và phát triển phải thuộc Danh mục loài cây trồng được bảo hộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành và đảm bảo các điều kiện sau:

        -. Có tính mới: nếu vật liệu nhân giống hoặc sản phẩm thu hoạch của giống cây trồng đó chưa được người có quyền đăng ký hoặc người được phép của người yêu cầu đó bán hoặc phân phối bằng cách khác nhằm mục đích khai thác giống cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký một năm hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký sáu năm đối với giống cây trồng thuộc loài thân gỗ và cây nho, bốn năm đối với giống cây trồng khác.

        - Có tính khác biệt: có nghĩa là giống cây trồng phải có khả năng phân biệt rõ ràng với các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi tại thời điểm nộp đơn hoặc ngày ưu tiên nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên.

        - Có tính đồng nhất: nếu giống cây trồng đó có khả năng phân biệt rõ ràng với các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi tại thời điểm nộp đơn hoặc ngày ưu tiên nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên.

        - Tính ổn định: nếu các tính trạng liên quan của giống cây trồng đó vẫn giữ được các biểu hiện như mô tả ban đầu, không bị thay đổi sau mỗi vụ nhân giống hoặc sau mỗi chu kỳ nhân giống trong trường hợp nhân giống theo chu kỳ.

        - Có tên phù hợpTên của giống cây trồng được coi là phù hợp nếu tên đó có khả năng dễ dàng phân biệt được với tên của các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi trong cùng một loài hoặc loài tương tự. 

Thành Trung

 TIN TỨC LIÊN QUAN