Hội thảo tham vấn Báo cáo rà soát, đánh giá quy định pháp luật có yêu cầu giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú khi thực hiện các quyền liên quan trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp

Ngày 25/10/2023, Cục Kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức hội thảo tham vấn Báo cáo rà soát, đánh giá quy định pháp luật có yêu cầu giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú khi thực hiện các quyền liên quan trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp (sau đây gọi tắt là Báo cáo). Hội thảo được Ông Hồ Quang Huy - Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp và bà Đỗ Lê Thu Ngọc -Trợ lý đại diện, Quyền trưởng phòng Quản trị và tham gia, UNDP tại Việt Nam đồng chủ trì.

Ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp

phát biểu khai mạc

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ gồm Bộ Công an, TAND tối cao; VKSND tối cao, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và truyền thông; đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; đại diện 09 Sở Tư pháp các tỉnh Hà Tĩnh, Long An, Thanh Hóa, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hải phòng; đại diện một số cơ quan trên địa bàn Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo tham vấn

Trên cơ sở các quy định mới của Luật cư trú năm 2020, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030; Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và các văn bản có liên quan, Báo cáo được nhóm chuyên gia, đại diện là bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp, Giảng viên trường Đại học Thăng Long xây dựng. Nội dung Báo cáo nhằm rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có yêu cầu giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú khi thực hiện các quyền liên quan trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp; xác định những quy định không còn phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo và đề xuất những phương hướng chung hoàn thiện pháp luật nhằm cắt giảm yêu cầu giấy tờ, xác nhận tài liệu về cư trú khi thực hiện các quyền liên quan trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.

Hội thảo diễn ra sôi nổi với sự tham gia phản biện của các đại biểu, trong đó có bài phát biểu tham luận của bà Nguyễn Tuyết Minh, Phó Trưởng phòng, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ và bài tham luận của bà Lê Vân Anh, Trưởng phòng, Văn phòng Bộ, Bộ Tư pháp. Ngoài ra, hội thảo nhận được rất nhiều góp ý của đại biểu tham dự liên quan đến Báo cáo.

Tại phần trao đổi, tiếp thu tham luận, Bà Nguyễn Thị Kim Thoa trân trọng tiếp thu ý kiến tham luận, phản biện của các đại biểu, tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện Báo cáo để tài liệu này là đầu vào cho quá trình cải cách hành chính nói chung và quá trình cắt giảm các thủ tục, giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú khi thực hiện các quyền liên quan trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp nói riêng.

Tổng kết phiên làm việc của Hội thảo, Ông Hồ Quang Huy đánh giá cao chất lượng của Báo cáo do nhóm chuyên gia xây dựng cũng như chất lượng và kết quả đạt được của Hội thảo. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Cục Kiểm tra văn bản QPPL sẽ tiếp thu, kiến nghị Bộ Tư pháp tham mưu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành mới các quy định pháp luật để phục vụ hiệu quả cho quá trình chuyển đổi số đồng thời nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trong cả nước./.

Lam Trần

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Ngày 03/7/2024, Hội đồng PHPBGDPL tỉnh (sau đây viết tắt là Hội đồng) ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện công tác phổ biến pháp luật quý III năm 2024. Để triển khai kịp thời, có hiệu quả cao công tác này, Hội đồng đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh đã tập trung chỉ đạo và thực hiện rà soát, đối chiếu các dữ liệu hộ tịch đã số hóa theo hướng dẫn của Sở Tư pháp tại Văn bản số 575/STP-HC&BTTP ngày 03/4/2024 về rà soát, đối chiếu dữ liệu hộ tịch trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Sổ hộ tịch, trên cơ sở đó đã đề nghị hủy/phê duyệt cho phép chỉnh sửa đối với các dữ liệu hộ tịch có sai sót. Tính đến ngày 20/6/2024, có 04 đơn vị đã thực hiện xong việc rà soát, đối chiếu, còn 02 đơn vị chưa hoàn thành là phường Đậu Liêu và xã Thuận Lộc. Để hoàn thành kịp tiến độ đề ra tại Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 16/5/2023 của UBND tỉnh (thời hạn hoàn thành việc rà soát, đối chiếu dữ liệu hộ tịch là đến hết tháng 7/2024), UBND thị xã yêu cầu UBND các phường, xã tập trung cao cho công tác rà soát, đối chiếu, báo cáo kết quả về UBND thị xã chậm nhất trước ngày 20/7/2024. Đồng thời đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ xã Thuận Lộc rà soát, đối chiếu dữ liệu hộ tịch.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2024/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử. Theo đó, tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc phương tiện xác thực khác được tạo lập bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử, được dùng để truy cập, sử dụng các tính năng, tiện ích, ứng dụng của hệ thống định danh và xác thực điện tử và hệ thống thông tin đã được kết nối, chia sẻ theo quy định của pháp luật.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 69/2024/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử. Trong đó, Nghị định quy định rõ trình tự, thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử đối với người nước ngoài như sau:
Ngày 28/6/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 43/2024/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngày 21/6/2024, Bộ chính trị ban hành Kết luận số 83-KL/TW về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024.