Một số nội dung cơ bản của Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Ngày 29 tháng 9 năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung (sau đây gọi là Nghị định này). Nghị định áp dụng đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; viên chức quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ (sau đây gọi là cán bộ) và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin đề cập đến các nội dung về nguyên tắc khuyến khích, bảo vệ cán bộ; Điều kiện áp dụng chính sách khuyến khích, biện pháp bảo vệ cán bộ; Những việc cơ quan, tổ chức, cán bộ và cá nhân không được làm trong khuyến khích, bảo vệ cán bộ; Chính sách khuyến khích cán bộ; Biện pháp bảo vệ cán bộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân; Trách nhiệm của cơ quan, cán bộ đề xuất đổi mới, sáng tạo và cá nhân, tổ chức thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo.

Khuyến khích, bảo vệ cán bộ phải đảm bảo các nguyên tắc: Thứ nhất, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung phải được khuyến khích, bảo vệ. Thứ hai, khuyến khích, bảo vệ cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, quyết định cho thực hiện trong phạm vi thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật, bảo đảm không trái quy định của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan nhà nước cấp trên và Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Thứ ba, cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, quyết định cho thực hiện, có kết quả đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, của ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị được ghi nhận, tôn vinh, khen thưởng xứng đáng. Cơ quan sử dụng cán bộ báo cáo, xin ý kiến cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp trước khi phê duyệt và đánh giá kết quả thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo. Thứ tư, việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ phải được thực hiện kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch; đúng đối tượng, trình tự, thủ tục theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan. Cơ quan, người có thẩm quyền phải kịp thời xem xét, đánh giá kết quả thực hiện, xác định rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá khách quan, toàn diện đối với việc đề xuất và thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo. Thứ năm, cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung có thể không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 11 Nghị định này.

Chính sách khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo quy định tại Nghị định này được áp dụng khi nội dung đề xuất đổi mới, sáng tạo đáp ứng các điều kiện sau: Có khả năng tháo gỡ, giải quyết điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và giải quyết hiệu quả vấn đề được đề xuất; Vì lợi ích chung, đem lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị; Xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn; không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị khác; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin.

Biện pháp bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo quy định tại Nghị định này được áp dụng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: 1) Thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan sử dụng cán bộ đánh giá là hoàn thành theo quy định tại Điều 18 Nghị định này; 2) Thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra, gây ra thiệt hại nhưng được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, đánh giá đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung.

Những việc cơ quan, tổ chức, cán bộ và cá nhân không được làm trong khuyến khích, bảo vệ cán bộ, gồm: 1) Lợi dụng chính sách, biện pháp khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. 2) Cản trở, gây khó khăn, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cán bộ năng động, sáng tạo, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong quá trình đề xuất, thực hiện, hoàn thành đề xuất vì lợi ích chung. 3) Né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong trình tự, thủ tục phê duyệt và triển khai thực hiện các đề xuất đổi mới, sáng tạo. 4) Không chấp hành sự phân công của cơ quan, tổ chức về việc giao thực hiện đề xuất; thực hiện không đúng đề xuất được cơ quan sử dụng cán bộ quyết định cho thực hiện; không chấp hành chỉ đạo của cơ quan sử dụng cán bộ về việc tiếp tục, dừng hoặc chấm dứt thực hiện đề xuất; lợi dụng việc thực hiện đề xuất để né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ khác được giao theo quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan. 5) Xử lý trách nhiệm đối với cán bộ năng động, sáng tạo, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong quá trình đề xuất, thực hiện đề xuất đã được đánh giá là hoàn thành quy định tại Điều 18 Nghị định này.

Cán bộ đề xuất đổi mới, sáng tạo, cá nhân, tổ chức thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo, cơ quan và người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này được khuyến khích bằng các hình thức sau đây theo quy định của pháp luật có liên quan: a) Tuyên dương, biểu dương trước tập thể cơ quan, đơn vị; được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng đối với những đề xuất được đánh giá là hoàn thành; b) Được lấy làm căn cứ để đánh giá trước khi xếp loại, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, điều động, luân chuyển theo hướng ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả cao; c) Được đánh giá là có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ để xét nâng ngạch công chức; được xét nâng bậc lương trước thời hạn 12 tháng theo quy định của pháp luật đối với những đề xuất đổi mới, sáng tạo được đánh giá là hoàn thành; d) Được động viên, khuyến khích bằng các hình thức khác phù hợp với quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Cán bộ, cá nhân, tổ chức thực hiện đề xuất, tùy trường hợp cụ thể được cơ quan sử dụng cán bộ bố trí kịp thời trang thiết bị, phương tiện làm việc, con người, kinh phí bảo đảm thực hiện đề xuất được phê duyệt.

Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định này thì không bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật có liên quan. Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra nhưng được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, đánh giá đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định này thì được loại trừ trách nhiệm theo quy định của pháp luật có liên quan. Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra và gây ra thiệt hại nhưng được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, đánh giá đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định này thì được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định của pháp luật có liên quan. Cơ quan và người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ quyết định cho phép thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo phải kịp thời xem xét, đánh giá kết quả thực hiện, xác định rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá khách quan, toàn diện đối với các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 11 của Nghị định này. Cơ quan và người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ quyết định cho phép thực hiện và đánh giá kết quả đề xuất đổi mới, sáng tạo được áp dụng các biện pháp bảo vệ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 11 Nghị định này và theo quy định của pháp luật có liên quan.

Cán bộ đề xuất đổi mới, sáng tạo và cá nhân, tổ chức thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo có trách nhiệm: Tham dự các cuộc họp của tập thể lãnh đạo, của Hội đồng đánh giá đề xuất để trình bày, phát biểu ý kiến;  Chủ trì hoặc phối hợp với cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ tiếp thu, hoàn thiện đề xuất trên cơ sở ý kiến kết luận của tập thể lãnh đạo, của Hội đồng đánh giá đề xuất; Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực; chủ động, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện đề xuất và khắc phục hậu quả phát sinh (nếu có); Báo cáo trung thực, đầy đủ, kịp thời về đề xuất đổi mới, sáng tạo, tình hình thực hiện, các thuận lợi, khó khăn, kết quả thực hiện đề xuất; xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan sử dụng cán bộ khi có vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện; Chấp hành các quyết định của cơ quan sử dụng cán bộ.

Cơ quan sử dụng cán bộ có trách nhiệm: 1) Kịp thời xem xét, phê duyệt đề xuất đổi mới, sáng tạo theo quy định tại Điều 8 Nghị định này. 2) Tôn trọng, động viên, khích lệ cán bộ đề xuất và cán bộ, cá nhân, tổ chức thực hiện đề xuất. Phân công công việc hợp lý trong thời gian cán bộ, cá nhân, tổ chức thực hiện đề xuất. 3) Bảo đảm các điều kiện, đầu tư kịp thời, đầy đủ trang thiết bị, phương tiện làm việc; bố trí, sắp xếp bộ máy, con người, kinh phí thực hiện đề xuất được phê duyệt. 4) Triển khai các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để bảo vệ cán bộ, cá nhân, tổ chức khi bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện và sau khi hoàn thành đề xuất đổi mới, sáng tạo đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện. 5) Thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, nguồn lực; xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế; phát hiện, chấn chỉnh sai phạm (nếu có); yêu cầu khắc phục hậu quả phát sinh (nếu có); có đánh giá khách quan, toàn diện, công khai, minh bạch về kết quả đạt được; định kỳ sơ kết, tổng kết; chỉ đạo đẩy mạnh truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội và nhân rộng mô hình, cách làm hiệu quả. 6) Chịu trách nhiệm về việc phê duyệt đề xuất; về việc không theo dõi, kiểm tra quá trình thực hiện đề xuất hoặc theo dõi, kiểm tra quá trình thực hiện đề xuất không kịp thời, đánh giá việc thực hiện đề xuất chưa toàn diện, khách quan mà không yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt thực hiện đề xuất, để xảy ra thiệt hại. 7) Kịp thời khuyến khích, bảo vệ đối với cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo và cán bộ, cá nhân, tổ chức thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan quản lý cán bộ áp dụng các hình thức khuyến khích, biện pháp bảo vệ quy định tại Điều 10 và Điều 11 Nghị định này. 8) Hằng năm, tổng hợp, báo cáo cơ quan quản lý cán bộ về việc thực hiện khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo theo quy định tại Nghị định này. 9) Cơ quan và người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ chịu trách nhiệm lưu trữ tài liệu liên quan đến đề xuất đổi mới, sáng tạo theo quy định pháp luật về lưu trữ.

Người đứng đầu cơ quan sử dụng cán ngoài thực hiện trách nhiệm của cơ quan sử dụng cán bộ còn có trách nhiệm: Đề cao vai trò, trách nhiệm trong việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ đề xuất và cán bộ, cá nhân, tổ chức thực hiện đề xuất; không lạm quyền trong giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền trong quá trình cán bộ, cá nhân, tổ chức thực hiện đề xuất. Báo cáo cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp bằng văn bản về những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện (nếu có) và việc đánh giá kết quả thực hiện đề xuất. Chủ động định hướng, tạo sự đồng thuận trong tập thể lãnh đạo cơ quan trong việc tổ chức thực hiện đề xuất. Trường hợp cần thiết, trên cơ sở kết quả đánh giá của tập thể lãnh đạo, của Hội đồng, ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về nội dung đề xuất đổi mới, sáng tạo.

Nghị định này gồm 5 chương với 24 điều và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành./.

Kiều Oanh

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Ngày 03/7/2024, Hội đồng PHPBGDPL tỉnh (sau đây viết tắt là Hội đồng) ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện công tác phổ biến pháp luật quý III năm 2024. Để triển khai kịp thời, có hiệu quả cao công tác này, Hội đồng đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh đã tập trung chỉ đạo và thực hiện rà soát, đối chiếu các dữ liệu hộ tịch đã số hóa theo hướng dẫn của Sở Tư pháp tại Văn bản số 575/STP-HC&BTTP ngày 03/4/2024 về rà soát, đối chiếu dữ liệu hộ tịch trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Sổ hộ tịch, trên cơ sở đó đã đề nghị hủy/phê duyệt cho phép chỉnh sửa đối với các dữ liệu hộ tịch có sai sót. Tính đến ngày 20/6/2024, có 04 đơn vị đã thực hiện xong việc rà soát, đối chiếu, còn 02 đơn vị chưa hoàn thành là phường Đậu Liêu và xã Thuận Lộc. Để hoàn thành kịp tiến độ đề ra tại Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 16/5/2023 của UBND tỉnh (thời hạn hoàn thành việc rà soát, đối chiếu dữ liệu hộ tịch là đến hết tháng 7/2024), UBND thị xã yêu cầu UBND các phường, xã tập trung cao cho công tác rà soát, đối chiếu, báo cáo kết quả về UBND thị xã chậm nhất trước ngày 20/7/2024. Đồng thời đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ xã Thuận Lộc rà soát, đối chiếu dữ liệu hộ tịch.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2024/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử. Theo đó, tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc phương tiện xác thực khác được tạo lập bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử, được dùng để truy cập, sử dụng các tính năng, tiện ích, ứng dụng của hệ thống định danh và xác thực điện tử và hệ thống thông tin đã được kết nối, chia sẻ theo quy định của pháp luật.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 69/2024/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử. Trong đó, Nghị định quy định rõ trình tự, thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử đối với người nước ngoài như sau:
Ngày 28/6/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 43/2024/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngày 21/6/2024, Bộ chính trị ban hành Kết luận số 83-KL/TW về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024.