Một số quy định mới về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố

Ngày 10/6/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Theo đó, Nghị định được ban hành gồm: 04 chương và 40 điều quy định về chức vụ, chức danh, số lượng, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ, chính sách; bầu cử, tuyển dụng, sử dụng và quản lý đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Trong đó, có nhiều quy định mới, nổi bật như sau:

1. Chỉ quy định 06 chức danh công chức cấp xã thay vì 07 chức danh như quy định hiện hành

Căn cứ khoản 2, điều 5 Nghị định này quy định Công chức cấp xã có các chức danh sau: Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự; Văn phòng - thống kê; Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); Tài chính - kế toán; Tư pháp - hộ tịch; Văn hóa - xã hội.

Bỏ quy định chức danh Trưởng Công an do đã bố trí lực lượng công an chính quy ở cấp xã.

2. Bổ sung thêm quy định “mở” về số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Căn cứ khoản 1, điều 6 và khoản 1, điều 33 Nghị định này vẫn giữ nguyên việc khoán tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở xã, ở thôn, tổ dân phố theo loại I,II, III của đơn vị hành chính cấp xã như quy định hiện hành. Ngoài việc quy định khung cứng số lượng cán bộ, công chức cấp xã thì tại khoản 2, điều 6 và khoản 2, điều 33 đã bổ sung quy định về tăng thêm và không khống chế số lượng tối đa đối với số lượng công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở đơn vị hành chính cấp xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên cao hơn so với tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nghị định này đã tách công chức cấp xã thành công chức xã, thị trấn và công chức phường so với quy định hiện hành.

3. Quy định rõ tiêu chuẩn của từng chức vụ, chức danh (vị trí việc làm) của cán bộ, công chức cấp xã.

Theo đó, tại điều 8 và điều 10 của Nghị định này đã quy định rõ khung năng lực đối với từng chức danh, chức vụ của cán bộ, công chức cấp xã là tốt nghiệp đại học trở lên, trừ trường hợp luật hoặc điều lệ của tổ chức có quy định


khác. Tại điều 38 - Điều khoản chuyển tiếp quy định xử lý đối với các trường hợp cán bộ, công chức cấp xã chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định tại điều 8, điều 10 của Nghị định thì thực hiện theo hướng: Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định. Hết thời hạn này mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định thì thực hiện chế độ nghỉ hưu (nếu đủ điều kiện) hoặc thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ.

4. Bổ sung quy định về phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã.

Tại khoản 2, điều 20 đã bổ sung quy định về phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã như sau: “Trường hợp cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp quy định của chức danh kiêm nhiệm”.

5. Điều chỉnh tăng mức khoán quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố:

5.1 Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã

Theo quy định tại khoản 1, điều 34 Nghị định về Chế độ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì mức phụ cấp với người hoạt động không chuyên trách cấp xã được quy định như sau:

“Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp. Ngân sách Trung ương thực hiện khoán quỹ phụ cấp bao gồm cả hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế để chi trả hàng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã như sau:

Đơn vị hành chính cấp xã loại I được khoán quỹ phụ cấp bằng 21,0 lần mức lương cơ sở;

Đơn vị hành chính cấp xã loại II được khoán quỹ phụ cấp bằng 18,0 lần mức lương cơ sở;

Đơn vị hành chính cấp xã loại III được khoán quỹ phụ cấp bằng 15,0 lần mức lương cơ sở.

Đối với đơn vị hành chính cấp xã có số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tăng thêm theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định thì tổng mức khoán quỹ phụ cấp được tính tăng thêm tương ứng bằng 1,5 lần mức lương cơ sở/01 người hoạt động không chuyên trách tăng thêm.”

Theo đó, mức khoán quỹ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được điều chỉnh tăng đối với đơn vị hành chính cấp xã loại I là là 5,0 lần mức lương cơ sở; loại II là 4,3 lần mức lương cơ sở; loại III là 3,6 lần mức lương cơ sở so với quy định hiện hành.

5.2 Đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố

Theo mức khoán quỹ phụ cấp để chi trả hàng tháng với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố quy định tại điểm a, khoản 2, điều 34 Nghị định thì quy định đã điều chỉnh tăng 01 lần mức lương cơ sở đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã ở khu vực biên giới, hải đảo so với quy định hiện hành. Đối với các thôn, tổ dân phố không thuộc quy định tại điểm a, khoản 2, điều 34 Nghị định 33/2023/NĐ-CP thì mức khoán quỹ phụ cấp được tăng lên 1,5 lần mức lương cơ sở so với quy định hiện hành.

Ngoài ra, Nghị đình còn bổ sung quy định về trường hợp thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên chuyển thành tổ dân phố do thành lập đơn vị hành chính đô thị cấp xã thì vẫn được giữ mức khoán quỹ phụ cấp bằng 6,0 lần mức lương cơ sở.

6. Bổ sung đối tượng và điểm ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển công chức cấp xã

Nghị đinh này bổ sung Đối tượng và điểm ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển công chức cấp xã đối với Đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã từ đủ 24 tháng trở lên đã được đánh giá xếp loại hoàn thành nhiệm vụ trở lên được cộng 2,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.

7. Một số nội dung trong Nghị định được quy định theo hướng từng bước liên thông và thống nhất một nền hành chính công vụ.

Các quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, bầu cử, tuyển dụng, bãi nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, nghỉ hưu, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá, xếp loại, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý và chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức cấp xã được Nghị định quy định theo hướng dẫn chiếu thực hiện các quy định này như đối với cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2023. Các nghị định của Chính phủ về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định 33/2023/NĐ-CP bao có hiệu lực gồm: Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003; Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011; Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009; Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019./.

                                                                                   Phú Cường

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Ngày 03/7/2024, Hội đồng PHPBGDPL tỉnh (sau đây viết tắt là Hội đồng) ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện công tác phổ biến pháp luật quý III năm 2024. Để triển khai kịp thời, có hiệu quả cao công tác này, Hội đồng đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh đã tập trung chỉ đạo và thực hiện rà soát, đối chiếu các dữ liệu hộ tịch đã số hóa theo hướng dẫn của Sở Tư pháp tại Văn bản số 575/STP-HC&BTTP ngày 03/4/2024 về rà soát, đối chiếu dữ liệu hộ tịch trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Sổ hộ tịch, trên cơ sở đó đã đề nghị hủy/phê duyệt cho phép chỉnh sửa đối với các dữ liệu hộ tịch có sai sót. Tính đến ngày 20/6/2024, có 04 đơn vị đã thực hiện xong việc rà soát, đối chiếu, còn 02 đơn vị chưa hoàn thành là phường Đậu Liêu và xã Thuận Lộc. Để hoàn thành kịp tiến độ đề ra tại Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 16/5/2023 của UBND tỉnh (thời hạn hoàn thành việc rà soát, đối chiếu dữ liệu hộ tịch là đến hết tháng 7/2024), UBND thị xã yêu cầu UBND các phường, xã tập trung cao cho công tác rà soát, đối chiếu, báo cáo kết quả về UBND thị xã chậm nhất trước ngày 20/7/2024. Đồng thời đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ xã Thuận Lộc rà soát, đối chiếu dữ liệu hộ tịch.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2024/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử. Theo đó, tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc phương tiện xác thực khác được tạo lập bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử, được dùng để truy cập, sử dụng các tính năng, tiện ích, ứng dụng của hệ thống định danh và xác thực điện tử và hệ thống thông tin đã được kết nối, chia sẻ theo quy định của pháp luật.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 69/2024/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử. Trong đó, Nghị định quy định rõ trình tự, thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử đối với người nước ngoài như sau:
Ngày 28/6/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 43/2024/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngày 21/6/2024, Bộ chính trị ban hành Kết luận số 83-KL/TW về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024.