> Hoạt động trợ giúp pháp lý > Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng

09/05/2022

Vụ việc trợ giúp pháp lý điển hình - “Phút nông nổi”

Trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách đến địa bàn tỉnh của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã và đang để lại trong lòng nhiều người niềm tin và hi vọng vào cuộc sống tốt đẹp và nhân văn hơn. Mỗi vụ việc trợ giúp pháp lý cụ thể gắn với mỗi số phận một con người, một hoàn cảnh. Sau khi hoàn thành xong mỗi vụ việc, Trợ giúp viên pháp lý như cảm thấy đã xong được một việc của chính cá nhân, gia đình mình.

          Không phải vụ việc nào cũng thành công, cũng đạt được như mong muốn, nhưng những bài học kinh nghiệm, những gom góp nhỏ từ việc tiếp xúc gặp gỡ đối tượng đến việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, nghiêm cứu hồ sơ, phân tích các tình tiết khách quan của vụ việc. Sự vận dụng đúng đắn các quy định của pháp luật và cả những tâm sự, tình cảm, trăn trở về nghề nghiệp về cuộc sống đã tạo nên những điểm tựa cho dự thành công của các vụ án. Xin giới thiệu câu chuyện pháp luật “Hậu quả của phút nông nổi”.

Vào khoảng 14h00 ngày 13/04/2016, Nguyễn Thị Thanh, sinh ngày 21/12/1999, trú tại thôn A, xã B, huyện C, tỉnh Hà Tĩnh, mặc dù chưa được học và không có giấy phép lái xe theo quy định nhưng đã điều khiển xe mô tô của gia đình chở Trần Thị Mai, sinh năm 1999, trú cùng thôn đi mua sách cho Mai. Khi đi đến đoạn đường thuộc thôn E, xã F, huyện C, tỉnh Hà Tĩnh đã gây tai nạn với xe mô tô của anh Phạm Văn Trúc, sinh năm 1988, thường trú tại thôn X, xã Y, huyện Z, tỉnh Hà Tĩnh điều khiển. Vị trí va chạm là trên phần đường bên phải theo hướng từ xã M, huyện Z đi xã N, huyện C (tức phần đường bên trái theo chiều đi của Thanh). Sau khi xảy ra tai nạn, chị Trần Thị Mai bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện H, Hà Nội nhưng đã tử vong vào ngày 14/04/2016, anh Phạm Văn Trúc bị thương nặng phải đi điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện P, Hà Nội; Nguyễn Thị Thanh bị thương nhẹ, hai xe mô tô bị hư hỏng nặng.

Qua quá trình điều tra, cơ quan công an điều tra đã kết luận, nguyên nhân của vụ tai nạn giao thông trên là do Nguyễn Thị Thanh không có giấy phép lái xe, điều khiển xe mô tô chở Trần Thị Mai không chú ý quan sát, chuyển hướng sang trái đột ngột không đảm bảo an toàn dẫn đến gây tai nạn với xe mô tô do anh Phạm Văn Trúc điều khiển phía trước ngược chiều, làm Trần Thị Mai tử vong.

Tại bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện C truy tố bị can Nguyễn Thị Thanh về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo điểm a Khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự với khung hình phạt là 3 đến 10 năm tù, do đây là một vụ án tai nạn giao thông rất nghiêm trọng.

Được sự hướng dẫn của một người quen về việc Nguyễn Thị Thanh (dưới 18 tuổi, hoàn cảnh gia đình khó khăn) thuộc diện người được trợ giúp pháp lý, Thanh cùng bố đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Trung tâm Trợ giúp pháp lý cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa cho Nguyễn Thị Thanh từ giai đoạn điều tra đến giai đoạn sơ thẩm của vụ án.

Trong quá trình trợ giúp pháp lý cho Nguyễn Thị Thanh, Trợ giúp viên đã tham gia hỏi cung cùng cơ quan điều tra, xuống hiện trường nơi xảy ra vụ án để nắm bắt thông tin cũng như gặp gỡ nhân chứng và trao đổi với người bị hại để Trợ giúp viên pháp lý xác định được hướng bào chữa theo hướng chuyển khung hình phạt, giảm nhẹ mức hình phạt xuống mức hình phạt thấp nhất giúp Thanh không bị cách ly khỏi xã hội, tiếp tục có cơ hội học tập.

Tại phiên tòa sơ thẩm, các Trợ giúp viên pháp lý đã đưa ra những lập luận trên cơ sở các quy định của pháp luật về quy định đối với người chưa thành niên phạm tội, các tình tiết về giảm nhẹ và đề nghị Tòa án cho Thanh được hưởng mức thấp nhất có thể của khung hình phạt dành cho người chưa thành niên phạm tội và không bị cách ly ra khỏi xã hội.

Hội đồng xét xử sau khi nhận thấy Thanh phạm tội lần đầu, không có tình tiết tăng nặng, đang là học sinh lại gặp hoành cảnh gia đình khó khăn, giữa Thanh và Mai là bạn bè và Thanh có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Hội đồng xét xử sau khi đã cân nhắc các ý kiến đề xuất của Viện kiểm sát, gia đình Mai và Trợ giúp viên pháp lý đã tuyên án Thanh chịu mức án thấp nhất là 36 tháng tù treo để Thanh có cơ hội tiếp tục học tập và không bị cách ly khỏi đời sống xã hội.

 Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã giúp cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh bị truy tố từ khung hình phạt cao nhất là 3 đến 10 năm tù chỉ còn chịu mức án thấp và có cơ hội tiếp tục học tập, không bị cách ly khỏi xã hội.

Vụ án đã khép lại, một bài học mà bố mẹ Thanh và những người làm cha, làm mẹ phải xót xa cho sự thiếu hiểu biết của một số bộ phận thiếu niên. Dù vẫn còn nỗi buồn, sự day dứt nhưng bị cáo Thanh đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình, tin tưởng vào sự công bằng của pháp luật. Còn với các Trợ giúp viên pháp lý là sự bình yên, thanh thản vì đã góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào sự nghiệp trợ giúp pháp lý.

       Đinh Hiền

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Lễ ký kết kế hoạch liên tịch thực hiện chương trình phối hợp về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại TAND trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Chiều ngày 16/9, Hội đồng phối hợp liên ngành (HĐPHLN) về trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng tổ chức Hội nghị Sơ kết Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Tại Hội nghị, Sở Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã tổ chức Lễ ký kết Kế hoạch liên tịch thực hiện Chương trình phối hợp về người thực hiện TGPL trực tại TAND trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Tham dự lễ ký kết có đồng chí Lê Viết Hồng - Chủ tịch HĐPHLN, đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, đồng chí Nguyễn Hà Ngân - Phó Chánh án TAND tỉnh.