Bàn về hình thức văn bản bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp
Trước đây, theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 91/2006/NĐ-CP thì văn bản bãi bỏ VBQPPL là văn bản hành chính (chứ không phải là VBQPPL). Hiện nay, theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 thì: Văn bản QPPL chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản QPPL của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền. Như vậy, để bãi bỏ văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp mà mình đã ban hành, HĐND, UBND các cấp có thể sử dụng các cách thức sau:
- HĐND, UBND ban hành văn bản QPPL để bãi bỏ văn bản QPPL mà mình đã ban hành.
- HĐND cấp dưới đề nghị HĐND cấp trên, UBND cấp dưới đề nghị UBND cấp trên trực tiếp ban hành văn bản hành chính để bãi bỏ văn bản QPPL mà mình đã ban hành.
Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định về cách thức HĐND, UBND ban hành văn bản QPPL để bãi bỏ văn bản QPPL mà mình đã ban hành đã xảy ra một số vướng mắc, cụ thể như sau:
Một là, một trong những yếu tố để xác định văn bản QPPL là văn bản có chứa quy phạm pháp luật. Mà theo giải thích từ ngữ tại Khoản 1 Điều 3 của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 thì: “Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện”. Thế nhưng trong nội dung của văn bản bãi bỏ thì không chứa quy phạm pháp luật.
Hai là, theo quy định tại Điều 130 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 thì văn bản QPPL trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải qua thẩm định của Sở Tư pháp. Nội dung thẩm định dự thảo văn bản QPPL bao gồm: Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo; Tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật;Sự phù hợp của nội dung dự thảo với các quy định trong văn bản đã giao quy định chi tiết;Ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản.Tuy nhiên, nội dung văn bản bãi bỏ văn bản QPPL lại không chứa đầy đủ các nội dung để thẩm định như trên.
Ba là, mặc dù Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã ban hành một hệ thống các biểu mẫu, trong đó có các mẫu văn bản QPPL quy định trực tiếp/ gián tiếp/ sửa đổi, bổ sung một số điều, tuy nhiên lại không có mẫu văn bản QPPL bãi bỏ văn bản QPPL mà chỉ lồng ghép một nội dung “bãi bỏ các Điều…” trong một điều của các mẫu văn bản QPPL sửa đổi, bổ sung một số điều.
Từ những vấn đề trên, tác giả cho rằng cần thiết phải sửa đổi các quy định này để địa phương thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và góp phần hoàn thiện hơn quy định về các hình thức xử lý văn bản QPPL ở nước ta hiện nay./.
Kim Lân