Dấu ấn Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam”

         

  

           Cuộc thi đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong cán bộ và Nhân dân của Tỉnh nhà. Trước hết, đây là một trong những Cuộc thi  có thời gian tổ chức dài nhất từ trước đến nay (Ở tỉnh phát động từ tháng 11/2014 và tổng kết vào tháng 8/2015), đối tượng tham gia rộng và đặc biệt có tầm ý nghĩa hết sức to lớn là Cuộc thi tìm hiểu về Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 - bản Hiến pháp mới của Nước ta. Việc tổ chức Cuộc thi đã được tỉnh quán triệt là nội dung quan trọng để góp phần triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH ngày 02/01/2014 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định số 251/QĐ-TTg ngày 13/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2157/QĐ-BTP ngày 22/9/2014 của Bộ Tư pháp, Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 22/4/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Quyết định số 654/QĐ-UBND ngày 11/3/2014 của UBND tỉnh.

          Cuộc thi đã có sự vào cuộc kịp thời, nghiêm túc của các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ cấp tỉnh đến cơ sở. Công tác tổ chức được chú trọng triển khai ngay từ đầu đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất cao trong chỉ đạo, điều hành đó là yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã đều thành lập Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và Tổ giúp việc cuộc thi; có tổng kết và tổ chức khen thưởng; bố trí kinh phí và các điều kiện khác phục vụ tốt nhất cho việc tổ chức cuộc thi. Hệ thống các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn được ban hành khá đồng bộ, trong đó: cấp tỉnh có 117 văn bản, cấp huyện có 80 văn bản, cấp cơ sở bình quân có 05 văn bản.

        Công tác truyền thông được xác định là một trong những nội dung trọng tâm quyết định đến sự thành công của Cuộc thi, vì vậy đã được quan tâm thực hiện.  Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đã tổ chức hơn 200 đợt tuyên truyền, phổ biến trực tiếp về Cuộc thi; cấp phát hơn 10.450 tài liệu; tổ chức 364 đợt tuyên truyền, phổ biến Cuộc thi qua các phương tiện thông tin đại chúng; đăng tải trên 500 tin bài trên Trang thông tin điện tử, Bản tin ngành và nhiều tờ báo của Trung ương và địa phương v.v… Cấp huyện và cấp xã đã tổ chức hơn 600 đợt tuyên truyền, phổ biến trực tiếp về Cuộc thi; cấp phát gần 90.000 tài liệu; tổ chức 20.958 đợt tuyên truyền, phổ biến qua hệ thống truyền thanh, truyền hình; đăng tải gần 1.000 tin bài và thực hiện 2.748 hoạt động tuyên truyền, phổ biến khác.

          Vai trò của Sở Tư pháp, cán bộ pháp chế sở, ngành, Phòng Tư pháp cấp huyện và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã trong việc tham mưu triển khai Cuộc thi cũng đã để lại nhiều dấu ấn. Đặc biệt với vai trò là Cơ quan Thường trực của Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh, Sở Tư pháp đã có nhiều giải pháp đề xuất, tham mưu triển khai cuộc thi hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh, tiêu biểu như việc đề xuất, tham mưu cho  Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh triển khai Cuộc thi dưới hình thức thi “Viết tay” trên giấy. Đây là một hình thức thi có ý nghĩa hết sức thiết thực, được cán bộ và Nhân dân trên địa bàn tỉnh hoan nghênh đón nhận.

          Với tổng cộng 242.716 bài dự thi (ước tính 1/5 dân số của tỉnh tham gia dự thi), Hà Tĩnh là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc về số lượng bài dự thi.

          Ban Tổ chức Cuộc thi cấp huyện đã thu được tổng cộng 230.717 bài, bao gồm toàn bộ bài dự thi của cấp xã và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn huyện, thành phố, thị xã. Trong đó, bài dự thi của Nhân dân, người lao động chiếm 50%; bài dự thi của đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên chiếm 30%; bài dự thi của cán bộ, công chức chiếm 20%. Các địa phương có số lượng bài dự thi cao như: Huyện Kỳ Anh (45.755 bài); huyện Cẩm Xuyên (35.600 bài); huyện Hương Sơn (33.994 bài); huyện Can Lộc (18.126 bài); huyện Đức Thọ (16.265 bài)… Ban Tổ chức Cuộc thi huyện, thành phố, thị xã đã trao tổng cộng 238 giải cá nhân, gồm: 01 giải đặc biệt, 13 giải nhất, 27 giải nhì, 46 giải ba, 144 giải khuyến khích và 07 giải phụ; 74 giải tập thể, gồm: 12 giải nhất, 22 giải nhì, 27 giải ba và 13 giải khuyến khích. Đồng thời đã chọn 255 bài xuất sắc nhất gửi dự thi vòng chung khảo toàn tỉnh.

          Các cơ quan cấp tỉnh có 11.999 bài dự thi. Nhiều đơn vị có số lượng bài dự thi cao như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (403 bài); Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (343 bài); Trường Đại học Hà Tĩnh (282 bài); Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh (244 bài); Sở Tài nguyên và Môi trường (235 bài); Cục Hải quan (221 bài); Sở Công thương (200 bài);…           Ban Tổ chức Cuộc thi các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã trao tổng cộng 285 giải cá nhân, gồm: 39 giải nhất, 56 giải nhì, 78 giải ba, 112 giải khuyến khích. Một số cơ quan, đơn vị đã trao các giải tập thể. 209 bài xuất sắc nhất đã được lựa chọn gửi dự thi vòng chung khảo toàn tỉnh.

          Kết quả vòng chung khảo toàn tỉnh đã có 49 giải thưởng giành cho các cá nhân có bài dự thi xuất sắc nhất, gồm: 01 giải đặc biệt, 01 giải nhất, 10 giải nhì, 10 giải 3 và 27 giải khuyến khích. 09 giải tập thể gồm 02 giải A, 03 giải B và 04 giải C được trao cho 09 cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức cuộc thi tốt nhất. Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh cũng đã quyết định trao 04 giải phụ, gồm: Giải cho thí sinh nhỏ tuổi nhất có bài dự thi chất lượng; giải cho thí sinh cao tuổi nhất có bài dự thi chất lượng; giải cho thí sinh có bài dự thi có phần liên hệ thực tiễn xuất sắc nhất và giải thưởng cho thí sinh có bài dự thi trình bày công phu nhất.

          Đã có 07 cá nhân và 07 tập thể đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen và 06 cá nhân khác được Ban Tổ chức Cuộc thi cấp cấp tỉnh tặng Giấy khen do có nhiều đóng cho Cuộc thi.

          Kết quả quan trọng nhất và thành công nhất là thông qua Cuộc thi đã thực hiện được thêm một bước quan trọng để đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam một cách sâu rộng trong quần chúng Nhân dân, góp phần đưa Hiến pháp mới của nước nhà sớm đi vào cuộc sống. Với mỗi cá nhân tham gia dự thi đó là được hiểu sâu sắc hơn về tinh thần, nội dung cũng như vai trò, ý nghĩa to lớn của Hiến pháp, từ đó nâng cao nhận thức về trách nhiệm của bản thân trong việc thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây cũng chính là mục tiêu cao nhất mà Tỉnh hướng đến trong tổ chức Cuộc thi này. 

           Sự thành công của Cuộc thi cùng với những định hướng, giải pháp cụ thể đã được Tỉnh đề ra sẽ là cơ sở vững chắc để tin tưởng rằng việc triển khai thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 trên địa bàn Hà Tĩnh tiếp tục gặt hái nhiều kết quả hơn nữa./.

         Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở

 TIN TỨC LIÊN QUAN