Kết quả công tác tuyên truyền pháp luật cho các đối tượng đặc thù
Phổ biến, giáo dục pháp luật là cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống, giúp cán bộ, Nhân dân kịp thời nắm bắt các chủ trương, chính sách pháp luật mới, liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân. Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho các đối tượng thuộc phạm vi của Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018 - 2021” không nằm ngoài mục đích trên. Tuy nhiên, do đặc điểm về tâm lý, hoàn cảnh của các đối tượng của Đề án, cần có những nội dung và hình thức phổ biến phù hợp, thiết thực.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp đã chủ động triển khai thực hiện Đề án này trên địa bàn tỉnh. Về nội dung, Sở tập trung tuyên truyền các quy định của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng Hình sự; Bộ luật Dân sự; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Đặc xá; Luật Thi hành án dân sự, hình sự; Luật An ninh mạng; Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật phòng, chống ma túy; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; các quy định khác về quyền con người, quyền công dân, những hành vi bị nghiêm cấm, hậu quả khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, kỹ năng sống và bảo vệ bản thân trước những tệ nạn xã hội, các chuẩn mực đạo đức xã hội và ý chí phấn đấu vươn lên... Về hình thức, công tác tuyên truyền được triển khai bằng các hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng thời điểm, địa bàn, trong đó tập trung các hình thức như: tổ chức Hội nghị, thi tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền qua Cổng, Trang thông tin điện tử; Truyền thanh - Truyền hình; tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý; hệ thống facebook; in ấn, cấp phát tài liệu, tờ rơi, tờ gấp; sinh hoạt tập thể ở cơ sở, khu dân cư, các hội, nhóm.... Cụ thể, Sở đã phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình tỉnh xây dựng và phát sóng 10 số chuyên đề Pháp luật và Đời sống; in ấn và cấp phát trên 200.000 tài liệu, 2.500 đĩa CD; cập nhật thường xuyên, kịp thời gần 2.000 tin, bài tuyên truyền các văn bản pháp luật, chính sách mới của trung ương và của tỉnh; xuất bản 8.000 cuốn Bản tin Tư pháp. Đặc biệt trong những năm gần đây, Sở Tư pháp đã hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tích cực hưởng ứng tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến như: tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông, cuộc thi pháp luật học đường, tìm hiểu pháp luật trực tuyến, tìm hiểu pháp luật về bầu cử. Bên cạnh đó, Sở đã tiếp nhận 1.589 hồ sơ đề nghị xóa án tích để cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người chấp hành xong án phạt tù. Ngoài ra, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh thực hiện 361 cuộc truyền thông trợ giúp pháp lý tại cơ sở; tham gia bào chữa 733 vụ việc hành chính, hình sự, dân sự, trong đó lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người áp dụng biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, mới ra tù tái hòa nhập cộng động, thanh niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ.
Hội đồng PhBGD pháp luật tỉnh kiểm tra tình hình công tác phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên (Năm 2019)
Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện đã tham mưu triển khai, thực hiện nghiêm túc Đề án này tại địa phương. Các huyện đã phối hợp tổ chức 117 hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng pháp luật cho hàng nghìn lượt người thuộc Đề án; cấp phát hơn 60.000 tài liệu; thực hiện phát sóng trên hệ thống truyền thanh - truyền hình cấp huyện và chỉ đạo, hướng dẫn phát sóng trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở hàng nghìn lượt; xây dựng, đăng tải hàng trăm tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, đã tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động tập huấn pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ, cá nhân được giao nhiệm vụ PBGDPL cho các đối tượng của Đề án. Đáng chú ý, có nhiều cách làm hay, sáng tạo đã được xây dựng và phát huy hiệu quả tại các địa phương như mô hình “Câu lạc bộ tình thương” tại xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn; mô hình “Tình thương và trách nhiệm” ở phường Nam Hồng; mô hình câu lạc bộ “Đồng cảm” ở phường Bắc Hồng đã tập hợp, giáo dục, cảm hóa các đối tượng nghiện hút và vi phạm pháp luật, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng.
Một buổi tuyên truyền về phóng chống HIV tại Câu lạc bộ tình thương (Năm 2019)
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng thuộc Đề án này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: công tác quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Đề án đến các cấp chưa được thường xuyên; việc phối hợp giữa Sở Tư pháp và các đơn vị, cá nhân trong việc triển khai Đề án đôi lúc chưa nhịp nhàng, chưa kịp thời; hình thức tuyên truyền pháp luật chưa thực sự đa dạng, một số người sau khi mãn hạn tù không chấp hành sự quản lý của chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể và gia đình, lười lao động không chịu tìm kiếm việc làm, hoặc được giới thiệu nhưng không chịu làm việc. Một số khác chưa nhận được sự quan tâm của người thân trong gia đình, cộng đồng đến tình trạng tự ti, tìm đến bạn bè cũ và trở lại con đường tái phạm tội.
Thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án này kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân và Chỉ thị số 02-CT/TW ngày 04/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận này trên địa bàn tỉnh; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, đơn vị có liên quan để triển khai các nhóm nhiệm vụ được kịp thời, hiệu quả cao; tăng cường các hoạt động tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý, hướng dẫn hỗ trợ thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người thuộc phạm vi Đề án; tiếp tục đa dạng hóa các hình thức PBGDPL; xây dựng, tổng kết, nhân rộng mô hình PBGDPL hiệu quả; tăng cường lồng ghép việc thực hiện Đề án này với các Đề án khác như: Đề án tăng cường PBGDPL trên địa bàn tỉnh, Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở…./.
Kim Oanh