Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh

        Hà Tĩnh  có 13 đơn vị hành chính cấp huyện (01 thành phố, 02 thị xã và 10 huyện); có 216 đơn vị hành chính cấp xã, với dân số hơn 1,3 triệu người, trong đó chủ yếu là dân tộc Kinh (chiếm hơn 90%), có 04 dân tộc thiểu số cư trú tập trung, xen ghép tại 8 thôn, bản thuộc 7 xã của 3 huyện miền núi: Hương Khê, Hương Sơn và Vũ Quang. Đây đều là các huyện miền núi, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa cao.

Cung cấp thông tin công tác bầu cử đến bà con Nhân dân tại thôn Phú Lâm xã Phú Gia huyện Hương Khê

        Xác định nhiệm vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nên sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTg về “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vận động đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021”, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

        Nội dung tuyên truyền, phổ biến tập trung các văn bản liên quan thiết thực đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số như: Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật BHXH, Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Căn cước công dân, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật An ninh mạng, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, các văn bản pháp luật về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống mua bán người, các quy định về bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình, kế hoạch hóa gia đình, các quy định liên quan đến tảo hôn, cận huyết thống, chống bạo lực gia đình và hủ tục lạc hậu, bảo vệ và phát triển rừng; chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các chính sách về an sinh xã hội, chính sách dân tộc của trung ương, của tỉnh…  

        Tính từ 01/6/2017 đến 30/6/2021, toàn tỉnh đã tham mưu tổ chức hàng ngàn cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp, tổ chức và tham gia hưởng ứng trên 200 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, in ấn và cấp phát trên 1 triệu tờ gấp, tờ rơi miễn phí. Đài phát thanh và truyền hình tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng nhiều chương trình, chuyên mục Pháp luật và đời sống, An ninh Hà Tĩnh…. Đặc biệt, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng Chương trình “Vì chủ quyền an ninh biên giới”, mỗi tháng phát sóng 01 số phản ảnh các vấn đề cần quan tâm ở khu vực biên giới, chuyển tải các chế độ, chính sách mới cho Nhân dân khu vực biên giới. Một số Đồn Biên phòng đã phối hợp với địa phương luân chuyển sách báo của đơn vị cho Nhân dân mượn đọc, góp phần nâng cao nhận thức, giảm thiểu hành vi vi phạm pháp luật tại các địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số và địa bàn miền núi. Báo Hà Tĩnh điện tử được đổi mới về nội dung, hình thức, cập nhật kịp thời thông tin, được cán bộ và Nhân dân trên địa bàn tỉnh quan tâm, trung bình mỗi ngày từ 20-25 chục ngàn lượt, cao điểm có ngày lên đến 85 chục ngàn lượt; riêng trong đợt Covid-19 số lượng người dân đọc 30-35 chục ngàn lượt/ngày; đăng tải hơn 50.000 tin bài, tài liệu trên internet để phục vụ công tác tuyên truyền pháp luật. Bên cạnh đó, đã phát động nhiều cuộc vận động như: cuộc vận động “Toàn dân tích cực tham gia phòng chống tội phạm”; “Phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”; “Thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình”; nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo như: Mô hình “Câu lạc bộ tình thương” được xây dựng tại xã Sơn Kim 1 huyện Hương Sơn đã tập hợp, giáo dục, cảm hóa các đối tượng nghiện hút và vi phạm pháp luật, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng; mô hình “cầu nối se duyên” chống hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc chứt ở xã Hương Liên, huyện Hương Khê. Ngoài ra, đã trợ giúp pháp lý 4.748 vụ việc (872 vụ việc hình sự, 800 vụ việc dân sự, 730 vụ việc hành chính, 2346 vụ việc lĩnh vực khác) trong đó, có những vụ, việc TGPL cho người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức thực hiện thành công 504 cuộc truyền thông về TGPL thu hút khoảng hơn 28.000 người tham gia; cấp phát khoảng 142.500 tờ rơi, tờ gấp về trợ giúp pháp lý, tài liệu các lĩnh vực pháp luật được người dân, người được TGPL quan tâm; biên soạn 82 số Chương trình phát thanh “TGPL với người dân” để phát đến tận thôn, xóm giúp người dân hiểu biết về chính sách TGPL miễn phí và các pháp luật có liên quan đến đời sống người dân.

        Nhìn chung, việc triển khai Quyết định số 1163/QĐ-CP ngày 08/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vận động đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021” trên địa bàn tỉnh đã được các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện tương đối nghiêm túc và có hiệu quả. Sở Tư pháp đã phát huy tốt vai trò là Cơ quan Thường trực của Hội đồng PH PBGDPL tỉnh trong việc hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện công tác PBGDPL, trong đó có tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.  Nhiều ngành, nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo, đa dạng hoá các hình thức PBGDPL. Nội dung tuyên truyền sát với thực tế, hình thức phổ biến gần gũi với người dân, góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật tại các địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần ổn định tình tình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển - kinh tế xã hội.

        Thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau: tăng cường tuyên truyền, PBGDPL cho người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là người dân ở miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số theo Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư, Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân và Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 04/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh; tiếp tục tổ chức thi hành nghiêm túc, đồng bộ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách của tỉnh về công tác PBGDPL, trong đó có các chính sách về miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác PBGDPL nói chung và tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng; tăng cường đầu tư nguồn lực, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân vùng dân tộc, miền núi trên địa bàn tỉnh./.

          Kim Oanh

 

 

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN