Đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp pháp lý trong tố tụng cho trẻ em bị xâm hại

        Trong thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Cục Trợ giúp pháp lý-Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh, Lãnh đạo Sở Tư pháp công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại luôn được Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh quan tâm, chú trọng, thực hiện có hiệu quả, góp phần tích cực vào việc đấu tranh phòng chống tội phạm, ổn định chính trị, an toàn xã hội ở địa phương.

        Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm TGPL nhà nước đã thụ lý, thực hiện 540 vụ việc TGPL tham gia tố tụng. Trong đó, có 32 vụ việc TGPL cho trẻ em bị xâm hại (chiếm 5,9% tổng số vụ việc tham gia tố tụng). Trong các vụ xâm hại thì phổ biến, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75% tổng số vụ việc TGPL cho trẻ em bị xâm hại. Năm 2019, Trung tâm thực hiện 03 vụ việc, năm 2020 thực hiện 12 vụ việc (tăng 9 vụ việc so với năm 2019), 6 tháng đầu năm 2021 Trung tâm đã thực hiện 9 vụ việc (tăng 03 vụ việc so với 6 tháng đầu năm 2020). Độ tuổi trẻ em bị xâm hại dưới 13 tuổi đang có xu hướng tăng, trong 6 tháng đầu năm 2021, Trung tâm đã thực hiện 06 vụ việc cho trẻ em bị xâm hại có độ tuổi dưới 13 tuổi (tăng gấp 2 lần so với 6 tháng đầu năm 2020). Đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là người thân thích và người quen biết với trẻ có xu hướng gia tăng, có khoảng 70% các vụ việc TGPL cho trẻ em bị xâm hại mà bị can là hàng xóm, bạn của bố mẹ hoặc bố dượng…. Xâm hại trẻ em không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, mà thời gian gần đây còn xảy ra nhiều ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.

        Để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã chủ động nắm bắt các trường hợp thông qua báo chí, sự giới thiệu của các các cơ quan tiến hành tố tụng và các nguồn thông tin khác. Từ đó, cử người thực hiện TGPL ngoài trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tế còn am hiểu tâm lý trẻ em vì sau sự việc xảy ra, nhiều em bị tổn thương tâm lý, sợ người lạ, bản thân một số em thiểu năng trí tuệ, trầm cảm dẫn đến việc tìm hiểu nội dung sự việc, lấy lời khai khó khăn. Có thể thấy, hoạt động TGPL cho người được TGPL nói chung và TGPL cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại nói riêng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ được các tình tiết khách quan của vụ án và bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp cho trẻ em bị xâm hại.

        Quá trình thực hiện TGPL cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại Trung tâm còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như sau: nhận thức về mặt pháp luật của một số người dân, đặc biệt là người dân ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn về việc bảo vệ chăm sóc trẻ em, quyền được TGPL của trẻ em còn chưa được thực hiện đầy đủ. Nhiều gia đình có trẻ bị xâm hại có tâm lý xấu hổ, lo sợ ảnh hưởng đến danh dự gia đình, sự phát triển tâm sinh lý và cuộc sống của trẻ sau này nên không trình báo cơ quan chức năng mà tự gặp nhau thương lượng, giải quyết do đó gia đình không tố giác hoặc thời gian tố giác muộn nên việc tiếp cận với các trường hợp này gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến công tác TGPL cho trẻ em bị xâm hại có thời điểm chưa kịp thời. Việc thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ còn gặp khó khăn; Các vụ việc TGPL cho trẻ em bị xâm hại thường do người thực hiện TGPL nữ thực hiện  vì ngoài trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tế còn am hiểu tâm lý trẻ em. Trong khi đó, đội ngũ người thực hiện TGPL là nữ còn ít, chỉ có 3/6 Trợ giúp viên pháp lý nữ, 3/13 Luật sư nữ ký hợp đồng thực hiện TGPL. Cho nên việc TGPL cho trẻ em bị xâm hại còn gặp nhiều khó khăn.

        Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa công tác TGPL cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại cần thực hiện một số giải pháp sau:

        Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý thông qua các phương tiện thông tin đại chúng với nội dung phong phú, hình thức phù hợp, tập trung vào các vụ việc trợ giúp pháp lý cho trẻ em bị xâm hại để nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là những trường hợp có trẻ em bị xâm hại biết và tìm đến Trung tâm để được TGPL kịp thời.

        Thứ hai, tăng cường sự phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý với các cơ quan có liên quan (cơ quan tố tụng, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội ...), các cơ sở hỗ trợ, trợ giúp, bảo vệ nạn nhân và các cấp chính quyền cơ sở để sớm phát hiện và thực hiện TGPL kịp thời cho trẻ em bị xâm hại.

        Thứ ba, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL theo hướng kết hợp giữa tự học với đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn tập trung hoặc các hình thức khác, ứng dụng các công nghệ thông tin trong học tập... Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng TGPL đặc biệt là kỹ năng TGPL cho trẻ em bị xâm hại. Thu hút thêm Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL nhất là Luật sư nữ có kinh nghiệm tham gia tố tụng cho trẻ em bị xâm hại để đáp ứng kịp thời công tác TGPL cho trẻ em bị xâm hại.

                                                                                         Lê Quế

 TIN TỨC LIÊN QUAN