Đề xuất điều chỉnh quy định cán bộ, công chức được cử đi đào tạo; dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ cho cán bộ, công chức cấp huyện, xã sau sáp nhập

        * Đề xuất điều chỉnh quy định cán bộ công chức được cử đi đào tạo

        Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

        Tại dự thảo tờ trình Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đề xuất điều kiện được cử đi đào tạo và đền bù chi phí đào tạo.

        Cụ thể, về điều kiện được cử đi đào tạo, Ban soạn thảo đề xuất bổ sung quy định các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức không phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, bao gồm: Đi học theo các chương trình học bổng trong khuôn khổ Hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ hoặc tổ chức quốc tế; học bổng do chính phủ nước ngoài, các vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ hoặc cá nhân tài trợ thông qua Chính phủ Việt Nam; đi học theo nguyện vọng cá nhân, tự chi trả các khoản kinh phí học tập và học ngoài giờ hành chính.

        Về quy định đền bù chi phí đào tạo, dự thảo bổ sung quy định đối với các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức không phải đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng.

        Các trường hợp cụ thể bao gồm: không hoàn thành khóa học do ốm đau phải điều trị, có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền; chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết nhưng được cơ quan có thẩm quyền điều động, luân chuyển, biệt phái đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác; đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với viên chức khi đơn vị buộc phải thu hẹp quy mô, không còn vị trí việc làm hoặc chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

        Bên cạnh những nội dung trên, Bộ Nội vụ còn đề xuất sửa đổi một số quy định liên quan đến nội dung, chương trình đào tạo, chứng chỉ và sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng...

        * Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ cho cán bộ, công chức cấp huyện, xã sau sáp nhập

        Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo hướng dẫn việc sắp xếp tổ chức, bố trí và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hoạt động không chuyên trách cấp xã khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

        Tại dự thảo hướng dẫn, Bộ Nội vụ cho biết, về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, khi nhập nguyên trạng các đơn vị hành chính cấp huyện, xã để hình thành một đơn vị hành chính cùng cấp mới thì tổ chức chính quyền địa phương và hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính mới thực hiện theo quy định tại Điều 134 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

        Khi thành lập mới một đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên cơ sở điều chỉnh một phần của đơn vị hành chính cùng cấp khác thì tổ chức chính quyền địa phương và hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính mới thành lập thực hiện theo quy định tại Điều 136 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

        Trường hợp điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã về một đơn vị hành chính cùng cấp khác thì đại biểu Hội đồng nhân dân thuộc địa phận điều chỉnh đó sẽ là địa biểu của Hội đồng nhân dân đơn vị hành chính mới cho đến khi hết nhiệm kỳ 2016 - 2021…

        Về việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hoạt động không chuyên trách khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, hướng dẫn như sau:

        Đối với đơn vị hành chính cấp huyện, xã mới hình thành cần căn cứ nội dung Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương trong giai đoạn 2019 - 2021 đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua và ban hành Nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp huyện mới hình thành thực hiện việc sắp xếp, bố trí và giải quyết các chế độ chính sách đối với số lượng cán bộ công chức, viên chức, hợp đồng lao động dôi dư.

        Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền ở cấp huyện mới hình thành thực hiện rà soát, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động đủ điều kiện tiếp tục làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính cấp huyện mới.

        Đối với số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư (kể cả người đủ điều kiện, tiêu chuẩn giữ lại làm việc nhưng tự nguyện xin nghỉ hoặc xin chuyển công tác…) thì tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật hiện hành.

        Về chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện xã được thực hiện theo quy định của Nghị định số 26/2015NĐ-CP về chế độ chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế; Nghị định số 46/2010/NĐ-CP  về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu với công chức.

        Cán bộ, công chức đang đảm nhận các vị trí lãnh đạo của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã khi thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc giữ chức vụ lãnh đạo có phụ cấp chức vụ thấp hơn trước khi sắp xếp thì được hưởng nguyên lương, phụ cấp chức vụ đến hết nhiệm kỳ 2016 - 2021…

(Nguồn: anninhthudo.vn)

 TIN TỨC LIÊN QUAN