Tiện ích từ ứng dụng chữ ký số
Dịch vụ chữ ký số công cộng được các nhà cung cấp dịch vụ trong nước ra mắt từ năm 2009. Chữ ký số có giá trị pháp lý và được coi là chứng cứ ký số vào thông điệp dữ liệu (văn bản điện tử, chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử...).
Theo Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), số lượng chứng thư số công cộng đang hoạt động (năm 2019) đạt khoảng 1,27 triệu chứng thư (cấp cho doanh nghiệp, người dân). Chứng thư số chuyên dùng Chính phủ đang hoạt động khoảng 220.000 chứng thư số (cấp cho cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức).
Đánh giá về thị trường dịch vụ này, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) Đặng Đình Trường cho biết, thị trường chứng thực chữ ký số công cộng đã tăng trưởng mạnh mẽ, chỉ riêng năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp mới giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cho 5 doanh nghiệp, nâng tổng số lên 14 đơn vị được cấp phép (tăng 55% so với cùng kỳ năm trước). Trong số 14 nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số hiện nay, có các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ hàng đầu như VNPT, BKAV, FPT, Viettel...
Rõ ràng, sự tăng trưởng về số đơn vị đăng ký cung cấp dịch vụ và khách hàng cho thấy, với sự phát triển của công nghệ và các dịch vụ, trong thời gian tới lượng người dùng chữ ký số công cộng tiếp tục tăng trưởng mạnh; đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ và các Bộ, ngành thực hiện chuyển đổi số. Do vậy, các vấn đề về an toàn, an ninh phải được đặt ra.
Theo ông Đặng Đình Trường, cùng với cung cấp dịch vụ chứng thực cho các doanh nghiệp triển khai tới khách hàng, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia còn xây dựng hành lang pháp lý (dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử) để triển khai dịch vụ này. Cuối tháng 12/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn xin ý kiến các thành viên Ủy ban quốc gia về chữ ký số nội dung dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử. Sau khi có ý kiến trả lời, Trung tâm sẽ hoàn thiện dự thảo trình lãnh đạo Bộ để Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ xem xét, ban hành./.
Nguồn: hanoimoi.com.vn