Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trong giai đoạn mới
Tiếp nối những kết quả đã đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020, tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 tiếp tục xác định xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đề ra các mục tiêu quan trọng trong việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) góp phần đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa Chính phủ điện tử, cụ thể: “Đến năm 2025, 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương; Đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động”.
Dịch vụ công trực tuyến là gì?
Theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và DVCTT trên Trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước thì: Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Theo đó, DVCTT có 4 mức độ: DVCTT mức độ 1: Là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó; DVCTT mức độ 2: Là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; DVCTT mức độ 3: Là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; DVCTT mức độ 4: Là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.
Dịch vụ công trực tuyến phát huy tính ưu việt trong bối cảnh cả nước nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Với việc đẩy mạnh DVCTT mức độ 3, mức độ 4, mọi người dân, tổ chức có thể giao tiếp và thực hiện giải quyết các TTHC với cơ quan nhà nước xuyên suốt 24 giờ/ngày, 07 ngày/tuần tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet. Việc xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ có thể theo dõi, giám sát tình trạng, quá trình thực hiện qua môi trường mạng. Ở mức độ 4, các tổ chức, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện các TTHC, kể cả đóng các khoản phí, lệ phí giải quyết TTHC thông qua thanh toán điện tử trên môi trường mạng, liên kết tài khoản mà không cần phải đến trực tiếp các cơ quan nhà nước. Đây là một bước tiến quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số, qua đó giúp giảm thiểu tối đa về thời gian gửi, nhận hồ sơ; chi phí đi lại, giấy tờ của cả người dân và chính quyền; giảm sự trì trệ, quan liêu của một bộ phận công chức nhà nước; tránh tệ nạn tham nhũng, cửa quyền; đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan nhà nước và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính của các cấp, ngành.
Đặc biệt, cùng với dịch vụ bưu chính công ích, việc đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đã phát huy tính ưu việt trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo người dân, doanh nghiệp được cung cấp đầy đủ các dịch vụ công từ các cơ quan Nhà nước mà vẫn đảm bảo các nguyên tắc về khoảng cách, giãn cách xã hội.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng DVCTT
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã thường xuyên quán triệt, chỉ đạo triển khai việc tăng cường ứng dụng DVCTT trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch cải cách hành chính năm 2021 của tỉnh đặt ra mục tiêu: Tối thiểu 50% TTHC có phát sinh hồ sơ có phát sinh hồ sơ được triển khai DVCTT mức độ 3, 4; trên 30% TTHC thuộc danh mục DVCTT mức độ 3, 4 được tiếp nhận và thụ lý, đồng thời được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia... Để thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt, đã kết nối, tích hợp DVCTT của tỉnh trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tích hợp tính năng thanh toán trực tuyến đối với các DVCTT mức độ 4. Tính đến ngày 30/6/2021[1], tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai 868 DVCTT ở cấp tỉnh, 121 DVCTT ở cấp huyện và 52 DVCTT ở cấp xã, tổng số hồ sơ đã tiếp nhận qua DVCTT trên toàn tỉnh là 28.057/374.669 hồ sơ, đạt tỷ lệ 7,49%. Mặc dù đã có những bước chuyển biến tích cực cả về số lượng DVCTT triển khai và số lượng hồ sơ phát sinh so với những năm trước, song nhìn chung, chỉ tiêu này của tỉnh ta vẫn còn chưa cao so với mặt bằng chung của cả nước. Một trong số các nguyên nhân là do thói quen dùng giấy tờ của người dân; hiệu quả, tác động của công tác tuyên truyền cải cách hành chính, mức độ hiểu biết, tiếp cận của đại đa số người dân, doanh nghiệp đối với công nghệ thông tin còn chưa cao; việc di chuyển đến Bộ phận một cửa các cấp khá thuận lợi, khoảng cách gần nên người dân lựa chọn cách thức nộp hồ sơ quen thuộc là trực tiếp tại các cơ quan Nhà nước;...
Nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang tích cực triển khai các giải pháp để nâng tỷ lệ sử dụng DVCTT, nhất là các DVCTT mức độ 3 và 4 trong giải quyết TTHC.
Tại Sở Tư pháp - một trong số các đơn vị có số lượng hồ sơ phát sinh lớn nhất được tiếp nhận qua Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh (mỗi năm trung bình tiếp nhận và giải quyết 18.000 hồ sơ). Nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, Sở Tư pháp đã thường xuyên rà soát, cập nhật đầy đủ bộ TTHC của ngành trên Cổng dịch vụ công tỉnh, Cổng Thông tin điện tử của Sở và cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của DVCTT, hướng dẫn việc thực hiện DVCTT và bưu chính công ích cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua nhiều hình thức. Thực hiện công khai số tài khoản nộp phí, lệ phí giải quyết TTHC của Sở, số điện thoại, địa chỉ email của cán bộ tiếp nhận và trả kết quả để thường xuyên giải đáp, hướng dẫn khi người dân, doanh nghiệp có yêu cầu. Đến nay, Sở đã đưa vào cung cấp 79/111 DVCTT, trong đó có 76 DVCTT mức độ 3, 03 DVCTT mức độ 4 và tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, đồng thời tích hợp thanh toán điện tử đối với các DVCTT này. Bước đầu triển khai thực hiện, mặc dù số lượng hồ sơ phát sinh chưa đạt được mục tiêu đề ra, song đã nhận được phản hồi tích cực của người dân, doanh nghiệp và đang tiếp tục có những chuyển biến đáng kể. Mặt khác, Sở Tư pháp đang tham mưu UBND tỉnh triển khai việc chứng thực điện tử trên địa bàn tỉnh, thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, đặc biệt là gửi hồ sơ qua DVCTT.
Có thể nói, đẩy mạnh ứng dụng DVCTT không chỉ tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện được các thủ tục cần thiết trong bối cảnh phải đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh, mà còn là giải pháp hiệu quả để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đây cũng là biện pháp hữu hiệu góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và rút ngắn quá trình hiện thực hóa Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, việc triển khai DVCTT không phải là một hành trình dễ đi đối với nhiều đơn vị, địa phương, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn,... Do đó, cần sự vào cuộc quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu, đặc biệt là sự chủ động từ phía chính những người dân, có như vậy DVCTT mới thực sự phát huy hiệu quả, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân, doanh nghiệp./.
Ngọc Anh
[1] Theo số liệu báo cáo tình hình, kết quả thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính và cơ chế một cửa, một cửa liên thông Quý I, Quý II năm 2021 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh của UBND tỉnh.