Hà Tĩnh đạt nhiều kết quả cao trong 05 năm (2013 - 2018) thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật

Theo đó, tính từ ngày 01/01/2013 đến ngày 30/10/2018, toàn tỉnh đã tổ chức 35.346 cuộc tuyên truyền, PBGDPL trực tiếp với 2.437.350 lượt người tham gia; tổ chức hàng trăm cuộc thi tìm hiểu pháp luật với 1.289.964 lượt người dự thi; phát hành miễn phí 1.705.386 tài liệu, tờ gấp, tờ rơi; đăng tải 23.470 tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật được triển khai mang lại hiệu ứng sâu rộng trong toàn thể cán bộ và Nhân dân của tỉnh nhà. Đơn cử như:

 

Trong các năm 2014 - 2015, tỉnh đã triển khai thành công cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam”. Toàn tỉnh có 242.716 bài dự thi (ước tính 1/5 dân số của tỉnh tham gia), trong đó nhiều cá nhân, tổ chức được tuyên dương, khen thưởng. Hà Tĩnh là một trong ba tỉnh, thành trong cả nước đạt giải A, có 01 cá nhân đạt giải nhất, 01 cá nhân được giải ba và 03 các nhân đạt giải khuyến khích toàn quốc. Kết quả quan trọng nhất và thành công nhất của cuộc thi là đã góp phần tích cực trong việc đưa Hiến pháp mới của nước nhà sớm đi vào cuộc sống.

 

 

Cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đã để lại dấu ấn sâu đậm trong toàn thể cán bộ, Nhân dân của tỉnh nhà

 

Trong các năm 2015 - 2016, nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 -2020được tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả cao, cụ thể:Trung bình mỗi đơn vị cấp tỉnh đã tổ chức 05 cuộc tuyên truyền, in ấn và cấp phát tổng cộng 15.816 tài liệu, thực hiện tổng cộng 734 lần phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các huyện, thành phố, thị xã đã tổ chức 535 cuộc tuyên truyền, phổ biến với 59.316 lượt người tham gia; cấp phát 55.674 tài liệu; thực hiện 2.152 lần phát sóng trên sóng phát thanh và truyền hình; đăng tải 1.045 tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo cấp xã thực hiện 39.672 lần phát thanh để tuyên truyền, phổ biến về bầu cử. Năm 2018,tỉnhtập trung chỉ đạotổ chức hội thi “Hòa giải viên giỏi ở cơ sở”, Hội thi đã đón nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực của đông đảo đội ngũ Hòa giải viên và Nhân dân tại 262 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

 

Kể từ năm 2017, việc “xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” được quy định là một Tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (Tiêu chí 18.5). Thực hiện Tiêu chí này, đã có sự thay đổi rõ nét trong công tác PBGDPL ở cơ sở. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Nhân dân được tăng cường thêm một bước. Qua kiểm tra, theo dõi cho thấy về cơ bản các địa phương đã thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết, công khai thông tin cho công dân, tổ chức đối thoại với người dân; xây dựng và từng bước phát huy hiệu quả các câu lạc bộ trong sinh hoạt pháp luật, các thiết chế thông tin cơ sở như Tủ sách pháp luật, hệ thống truyền thanh, trang thông tin điện tử,… Đảm bảo tổ chức tuyên truyền, phổ biến kịp thời các văn bản, chính sách pháp luật mới, liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ hàng ngày của Nhân dân theo chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan cấp trên và yêu cầu thực tiễn tại địa phương. Chính vì vậy nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của người dân không ngừng được nâng lên. Hầu hết các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới tại thời điểm kiểm tra, đánh giá không có xảy ra tình trạng người dân vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; khiếu nại, tố cáo không có hoặc có nhưng giảm hẳn so với năm trước liền kề năm đánh giá. Biết pháp luật, hiểu pháp luật, Nhân dân đã tích cực tham gia và có nhiều đóng góp quan trọng cùng với chính quyền trong thực hiện xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tính đến ngày 30/9/2018, 49/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015 trở về trước, 30/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, 33/33 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 và 08/08 xã đạt chuẩn nông thôn mới đợt 1 năm 2018 được công nhận đạt Tiêu chí 18.5.

 

Nhiều cách làm hay, sáng tạo đã được xây dựng và phát huy hiệu quả cao trong tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Tiêu biểu như: Mô hình “Câu lạc bộ tình thương” được xây dựng tại xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn đã tập hợp, giáo dục, cảm hóa các đối tượng nghiện hút và vi phạm pháp luật, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng; hay mô hình “Tổ chức đối thoại” giữa các cơ quan nhà nước và Nhân dân tại thị xã Hồng Lĩnh, mô hình “Hỏi đáp pháp luật” tại huyện Nghi Xuân thực sự là kênh thông tin để giải đáp, cung cấp thông tin pháp luật kịp thời đến người dân. Tỉnh đoàn và huyện Đức Thọ đã sử dụng và thu được nhiều kết quả thông qua hình thức tuyên truyền là mạng facebook.

 

Bên cạnh tham mưu hiệu quả cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh phổ biến và triển khai lấy ý kiến Nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với dự thảo Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự, Sở Tư pháp cũng đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến các Bộ luật, Luật mới như: Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017,… Với giảng viên là các chuyên gia pháp luật đầu ngành của cả nước, các hội nghị này đã thu hút được sự tham gia đông đảo của cán bộ quản lý các cấp, đội ngũ pháp chế, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã và Hòa giải viên ở cơ sở. Sở cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, địa phương triển khai các hình thức phù hợp để tuyên truyền, phổ biến các Luật mới đến với cán bộ, Nhân dân trên địa bàn tỉnh (như phối hợp với Tỉnh đoàn xây dựng đĩa CD tuyên truyền Luật An ninh mạng năm 2018 phát trên hệ thống truyền thanh cơ sở). Trong năm 2018, huy động sự hỗ trợ của Chính phủ Vương quốc Bỉ từ Dự án “Hỗ trợ quản trị địa phương trách nhiệm giải trình, đáp ứng tại tỉnh Hà Tĩnh” (RALG Hà Tĩnh) và từ nguồn ngân sách được bố trí, Sở Tư pháp đã tổ chức 34 cuộc tập huấn pháp luật tại cơ sở với hơn 3.500 người tham gia; cấp phát miễn phí hơn 25.000 tài liệu. Ngoài ra, tiếp tục huy động sự hỗ trợ từ “Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp - Bộ Tư pháp”, Sở đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp - xúc tiến đầu tư tỉnh và các cơ quan có liên quan mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các doanh nghiệp; định kỳ hàng tháng biên tập, in ấn và cấp phát 1.000 tờ “Thông tin hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp”.

 

Ngoài phát huy tốt vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL, việc xây dựng đội ngũ tham gia công tác PBGDPL cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Sau khi củng cố, kiện toàn, hiện nay, đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh có 47 thành viên, hầu hết đã được đào tạo trình độ chuyên môn Luật, là những người có năng lực, trình độ và kỹ năng tuyên truyền PBGDPL. Cấp huyện có 284 báo cáo viên pháp luật, trong đó có 100 người có trình độ chuyên môn Luật. Cấp xã có 2.268 tuyên truyền viên pháp luật, trong đó có 437 có trình độ chuyên môn Luật. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật được quan tâm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ và trên thực tế đã có nhiều đóng góp quan trọng cho công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng đã chú trọng huy động đội ngũ luật sư, luật gia tham gia vào công tác PBGDPL. Đồng thời, hàng năm đều có mời các chuyên gia đến từ Bộ Tư pháp và tại một số Bộ, ngành Trung ương trực tiếp tập huấn pháp luật cho cán bộ, Nhân trên địa bàn tỉnh.

 

Cụ thể hóa quy định của Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 166/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 quy định mức chi thực hiện công tác PBGDPL và công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Sau khi Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua, ngày 18/01/2016, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 259/UBND-NC­­1 ­chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, địa phương kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết này. Hầu hết các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã đã quan tâm, bố trí kinh phí phục vụ thực hiện công tác PBGDPL tại cơ quan, tổ chức, địa phương mình. Trung bình hàng năm, ở cấp tỉnh đã bố trí 70 - 100 triệu đồng/đơn vị, cấp huyện bố trí 100 - 150 triệu đồng/đơn vị và cấp xã bố trí 7 - 15 triệu đồng/đơn vị cho công tác PBGDPL. Ngoài việc quan tâm bố trí các phương tiện phục vụ công tác PBGDPL (như máy chiếu, máy ảnh, máy quay phim) thì các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh và UBND cấp huyện đã tăng cường nâng cấp cổng (trang) thông tin điện tử, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua mạng internet. Hầu hết UBND cấp xã đã xây dựng được trang thông tin điện tử, tiếp tục quan tâm xây dựng Tủ sách pháp luật, hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở. Hiện nay, 262/262 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có hệ thống loa truyền thanh, đều đặn hàng tuần có chương trình phát thanh tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

 

Từ những kết quả trên có thể khẳng định, việc triển khai thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong 05 năm (2013 - 2018) đã được triển khai nghiêm túc, đạt nhiều kết quả cao. Đây cũng là động lực to lớn để tỉnh tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội./.

 

Thành Trung

 TIN TỨC LIÊN QUAN