Kết quả thực hiện Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 – 2019 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

 

Luật Trợ giúp pháp lý 2006 được Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2006 đã có tác động rất mạnh mẽ đến công tác tổ chức thực hiện pháp luật, đưa pháp luật đến với người nghèo, đối tượng yếu thế, nhất là Nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…qua đó nâng cao vị thế, vai trò của pháp luật trong quản lý đất nước, quản lý xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, hoạt động Trợ giúp pháp lý cũng đã góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền, giáo dục lối sống tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, trước yêu phát triển mới của đất nước, yêu cầu của hoạt động TGPL trong tiến trình cải cách Tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, hoạt động TGPL đã bộc lộ nhiều điểm bất cập như số lượng vụ việc tham gia tố tụng ít, chỉ chiếm khoảng 5%; các hoạt động truyền thông về TGPL cũng chưa được thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, dẫn đến mục đích và hiệu quả chưa cao nên vẫn còn nhiều đối tượng được hưởng chính sách TGPL chưa biết đến hoạt động này và quyền được tiếp cận dịch vụ TGPL miễn phí của Nhà nước; Trợ giúp viên pháp lý chưa thực sự chuyên nghiệp, nhiều Trợ giúp viên pháp lý còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, năng lực và sự tự tin tham gia tố tụng...Nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế đó ngày 01/6/2015,Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025.

 

Tại Hà Tĩnh, qua 4 năm triển khai thực hiện Đề án,được sự quan tâm của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Sở Tư pháp. Công tác trợ giúp pháp lý đã đạt được những kế quả đáng ghi nhậnkịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý nhất là người nghèo, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số và một số người yếu thế khác theo quy định của pháp luật góp phần ổn định trật tự xã hội, cũng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, pháp luật, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ngay sau khi Đề án được ban hành, Trung tâm đã quán triệt tinh thần, nêu cao trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân, đẩy mạnh các hoạt động TGPL, gắn với đổi mới trong cách tiếp cận, áp dụng các phương pháp phù hợp hơn cho từng đối tượng được TGPL theo chiều sâu, đổi mới quy trình thực hiện TGPL theo hướng đơn giản, phù hợp với thực tiễn. Do đó, từnăm 2015 đến nay, số lượng vụ việc TGPL ngày càng tăng, qua 4 năm thực hiện Đề án, Trung tâm đã thực hiện 4.517 vụ việc (Trong đó: Tư vấn, hướng dẫn: 3.953 vụ việc; Tham gia tố tụng: 561 vụ việc; Đại diện ngoài tố tụng: 3 vụ việc). Nếu những năm trước đây, hầu hết các vụ việc trợ  giúp pháp lý trong tố tụng đều do Luật sư-Cộng tác viên thực hiện; công tác TGPL trong tố tụng chưa được chú trọng, hiệu quả chưa cao thìtừ năm 2015 đến nay, bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp pháp lý khác, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã tập trung, chú trọng vào việc thực hiện TGPL trong tố tụng. Hàng năm, đã ban hành các Quyết định cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng theo quy định khi có yêu cầu của người được TGPL. Các Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên luôn chủ động tìm kiếm vụ việc, đối tượng, bám sát địa bàn cơ sở, tăng cường các mối quan hệ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, số lượng, chất lượng các vụ việc TGPL trong tố tụng ngày càng tăng. Nếu như năm 2014 Trung tâm chỉ thực hiện 26 vụ việc, năm 2015 Trung tâm thực hiện 43 vụ việc và phần lớn các vụ việc này do Luật sư Luật sư Cộng tác viên thực hiện (chiếm 60%) thì từ năm 2016 đến nay tổng số vụ việc Trung tâm đã thực hiện: 518 vụ việc (Trong đó:năm 2016 thực hiện 83 vụ việc; năm 2017 thực hiện 128vụ việc; năm 2018 thực hiện 170 vụ việc; 8 tháng đầu năm 2019 thực hiện 137 vụ việc). Đặc biệt từ năm 2018 trở lại nay, số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý tăng lên rõ rệt, năm 2018 thực hiện 170 vụ việc, 7 tháng đầu năm 2019 thực hiện 137 vụ việc (tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2015). Trong đó 95% vụ việc do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện. Về chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng theo quy định của Bộ Tư pháp, năm 2016, 2017 có 2/7 Trợ giúp viên pháp lý đạt chỉ tiêu tốt (chiếm 29%), năm 2018, có 4/7 Trợ giúp viên pháp lý đạt chỉ tiêu tốt (chiếm 57%), 8 tháng đầu năm 2019 có 100% Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm đạt chỉ tiêu tốt.

 

Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng đều chấp hành đúng quy định của pháp luật; chất lượng vụ việc TGPL không ngừng được cải thiện, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người được TGPL theo quy định của pháp luật; Nhiều vụ việc các ý kiến tranh tụng cũng như các đề xuất của Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia đã được Tòa án chấp nhận xem xét chuyển tội danh, chuyển khung hình phạt, đình chỉ vụ án, giảm hình phạt tù, được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ trong các vụ án hình sự và bảo vệ thành công quyền lợi hợp pháp trong các vụ án dân sự, bảo đảm được tính khách quan, đúng pháp luật, đề cao tinh thần cải cách tư pháp trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án.

 

Để thực hiện đúng theo đúng mục tiêu, định hướng mà Đề án đề ra, Trung tâm đã tham mưu xây dựng Đề án vị trí việc làm phù hợp với tình hình thực thế tế của địa phương, Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm đã tích cực tham mưu kiện toàn tổ chức, bộ máy. Đặc biệt sau thời gian đào tạo, bồi dưỡng tích cực, trong năm 2019, đã tham mưu bổ nhiệm các Phó Giám đốc Trung tâm, Trưởng, phó phòng thuộc Trung tâm. Đến ngày 01/8/2019, bộ máy của Trung tâm gồm: Ban Giám đốc, phòng Hành chính-Tổng hợp, phòng Nghiệp vụ, với 14 công chức, viên chức (05 nam và 09 nữ), trong đó có 07 Trợ giúp viên pháp lý, 04 chuyên viên pháp lý, 01 chuyên viên công nghệ thông tin, 01 kế toán và 01 văn thư; về trình độ chuyên môn có: 01 Thạc sỹ luật, 12 Cử nhân luật, 01 Cử nhân tài chính. Để người dân có quyền tiếp cận hoạt động TGPL với chất lượng cao ngoài việc nâng cao nguồn nhân lực tại chỗ, Trung tâm còn huy động các tổ chức xã hội tham gia thực hiện TGPL; Huy động luật sư có kinh nghiệm, đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp; các tổ chức hành nghề luật sư có uy tín tham gia thực hiện TGPL, có chính sách động viên kịp thời các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác trợ giúp pháp lý, Trung tâm đã ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với 08 Luật sư và đang tiếp tục kiện rà soát đội ngũ Luật sư trên địa bàn và Tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý đối với những luật sư có năng lực trình độ chuyên môn, uy tín có nguyện vọng tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý.

 

Trước khi Đề án đổi mới được ban hành Trung tâm chỉ có 11viên chức, trong đó chỉ có 06 Trợ giúp viên pháp lý 04 chuyên viên pháp lý, 01 kế toánvà 161 cộng tác viên trợ giúp pháp lý, phần lớn các vụ việc trợ giúp pháp lýtrong tố tụng đều do Luật sư cộng tác viên thực hiện, Trợ giúp viên pháp lýcủa Trung tâm chỉthực hiện 1-2vụviệc/năm. Sau khi Đề án Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý được ban hành và triển khai thực hiện số lượng vụ việc TGPL do trợ giúp viên pháp lý thực hiện tăng lên, trung bình Trợ giúp viên pháp lý thực hiện từ 15-19 vụ việc/năm, Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý trung bình 2-4 vụ việc/năm.Với nguồn nhân lực tại chỗ, kết hợp với sự tham gia trợ giúp pháp lý của các Luật sư ký hợp đồng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp đã bảo 100% yêu cầu trợ giúp pháp lý của người dân đã được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm được quyền lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý.

 

Từ tháng 01 năm 2018 đến nay, Trung tâm đã có nhiều hoạt động bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng cho đội ngũ thực hiện TGPL với mục đích bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm cho người thực hiện TGPL. Đặc biệt là từ năm 2015 đến nay, Trung tâm đã tổ chức 06 cuộc tập huấn chuyên sâu cho công chức, viên chức Trung tâm và người thực hiện TGPL về kỹ năng tham gia tố tụng các vụ án dân sự, hành chính; riêng năm 2018 và đầu năm 2019 đã tổ chức 4 cuộc tập huấn. Tại các cuộc tập huấn, mời các giảng viên của Học viện Tư pháp và các Luật sư giàu kinh nghiệm của Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Các học viên đã được tập huấn chuyên sâu các kỹ năng tham gia tố tụng, tập huấn cập nhật pháp luật về nội dung cũng như pháp luật về hình thức để tham gia tốt các vụ án, bào chữa, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được TGPL.

 

Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức sinh hoạt “Chuyên đề pháp luật” một tháng hai lần nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng áp dụng các văn bản luật; kỹ năng nghiên cứu hồ sơ và kỹ năng bào chữa, bảo vệ tại phiên tòa cho Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên pháp lý của Trung tâm. Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL của Trung tâm đã tham gia các Hội nghị tập huấn do Bộ Tư pháp tổ chức về nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thực hiện TGPL, 100% Trợ giúp viên pháp lý đảm bảo nghĩa vụ tham gia tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc của Bộ Tư pháp. Tổ chức cho các Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên đi trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về TGPL với các tỉnh bạn. Nhờ đó, kiến thức, kỹ năng của công chức, viên chức của Trung tâm được nâng cao, giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả; chất lượng nguồn nhân lực TGPL từng bước được nâng lên, bảo đảm tính chuyên môn hóa và chất lượng vụ việc TGPL.

 

Với việc đầu tư có chiều sâu, chất lượng nguồn nhân lực trợ giúp pháp lý ngày càng được nâng lên, bảo đảm tính chuyên môn hóa và chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. So với những năm trước khi thực hiện Đề án đổi mới trợ giúp viên pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý để bào chữa bảo vệ cho người được trợ giúp pháp lý tăng về cả số lượng và chất lượng. Việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư Cộng tác viên của Trung tâm đã góp phần bảo đảm tính khách quan, toàn diện, đánh giá đúng bản chất của vụ việc và hành vi phạm tội của bị can, bị cáo để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng được TGPL. Điển hình, có những vụ việc phức tạp kéo dài nhiều năm, qua nhiều cấp xét xử như vụ án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đại diện hợp pháp của cháu Hoàng Đức Phượng-bị hại trong vụ tài xế xe ben cố tình cán chết xảy ra tại xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh tháng 6/2016, trong vụ án này lúc đầu cơ quan Công an huyện Kỳ Anh khởi tố tài xế Xe ben về tội Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, theo điều 202 Bộ luật Hình sự 1999 nhưng với sự tham gia của TGVPL Tháng 9/2018, VKSND Hà Tĩnh chuyển tội danh, ra cáo trạng truy tố tài xế về tội Giết người, theo điều 93 Bộ luật Hình sự 1999. Tháng 11/2018, TAND tỉnh Hà Tĩnh mở phiên sơ thẩm tuyên phạt Quân 12 năm tù về tội Giết người, bồi thường cho gia đình bị hại hơn 170 triệu đồng; Vụ án Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cháu Nguyễn Thị Quỳnh Hoa trong vụ “Hiếp dâm trẻ em”trong quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội của mình nhưng bằng những chứng cứ, lập luận sắc bén, bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, tòa án đã tuyện buộc bị cáo chấp hành 12 năm tù giam, bồi thường cho gia đình cháu Quỳnh Hoa 44.000.000….

 

Để hoạt động trợ giúp pháp lý thực sự đi vào đời sống xã hội trên địa bàn, công tác truyền thông về pháp luật về trợ giúp pháp lý đã được Trung tâm trợ giúp pháp lý đẩy mạnh thực hiện bằng những hình thức thiết thực hiệu quả.Trung tâm đã biên soạn và in ấn hơn 100.000 cuốn tài liệu pháp luật phát miễn phí cho người dân và để trong hộp tin tại các cơ quan tố tụng nhằm giúp cho người dân, đặc biệt là các đối tượng bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo nâng cao nhận thức pháp luật, biết về tổ chức TGPL, quyền được TGPL để tiếp cận các dịch vụ TGPL miễn phí. Bên cạnh đó, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan truyền thông như: Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh; Báo Hà Tĩnh; Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, Cục TGPL, Sở Tư pháp để đăng tải các tin, bài phản ánh, câu chuyện pháp luật, các bài về nghiên cứu trao đổi nghiệp vụ về TGPL đạt hiệu quả, các tin bài về hoạt động TGPL, các giải đáp thắc mắc về pháp luật khi người dân có nhu cầu. Trung tâm đã phối hợp với Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật làm việc với Đài PTTH tỉnh dành thời lượng thích đáng để tập trung phổ biến Luật TGPL trên Đài PTTH tại chuyên mục Pháp luật và Đời sống; Đã tổ chức viết nhiều bài giới thiệu về Luật TGPL và các văn bản pháp luật có liên quan trong đó có Thông tư liên tịch số 10 đăng trên Cổng thông tin điện tử của Sở, Báo Hà Tĩnh. Đặc biệt, Trung tâm tổ chức biên soạn phát hành đĩa CD, chương trình phát thanh “TGPL với người dân” để phát về cho tất cả các xã, phường, thị trấn phát trên hệ thông loa truyền thanh. Với nhiều nội dung phong phú, sát thực với nhu cầu người dân, yêu cầu quản lý Nhà nước trên địa bàn, nhiệm vụ chính trị của Ngành, của tỉnh trong từng tháng, từng quý. Trong tháng 5 năm 2018, Trung tâm TGPL Nhà nước đã làm việc với Tạp chí Dân chủ và Pháp luật của Bộ Tư pháp viết, biên soạn và phát hành 01 số chuyên mục để giới thiệu, tuyên truyền về công tác TGPL ở Hà Tĩnh.

 

Ngoài ra, đã cấp phát miễn phí trên 97.000 cuốn tài liệu pháp luật liên quan đến các lĩnh vực pháp luật thiết yếu cho người dân thông qua các đợt truyền thông và TGPL tại cơ sở góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong Nhân dân. Phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện thành công 331 cuộc truyền thông và TGPL tại cơ sở thu hút hơn hàng nghìn lượt người tham gia. Qua đó, đã giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm TGPL, quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, người thực hiện TGPL… Chú trọng giới thiệu các vụ việc TGPL điển hình do Trung tâm đã thực hiện có hiệu quả cao để người dân biết đến với Trung tâm khi có nhu cầu.

 

Với việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý đã Giúp người được trợ giúp pháp lý dễ dàngtiếp cận được chính sách trợ giúp pháp lý, chính sách an sinh xã hội, nắm rõ các quy định của pháp luật liên quan đến đời sống của mình một cách tốt nhất. Nhận thức về pháp luật ngày càng được nâng lên, nhiều người nghèo, người có công với cách mạng, người đồng bào dân tộc thiểu số…đã biết và liên hệ đến Trung tâm yêu cầu Trung tâm thực hiện trợ giúp pháp lý cho mình.

 

Sau gần 4 năm thực hiện Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, ban, ngành đoàn thể và các tổ chức, cá nhân về công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh đã nâng lên, phần lớn các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp với với Trung tâm trong quá trình triển khai nhiệm vụ được giao đã chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp tích cực với Trung tâm trong việc trợ giúp pháp lý tại cơ sở hoặc phối hợp cung cấp thông tin về vụ việc khi Trung tâm có yêu cầu. Đặc biệt, nhận thức của Các cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, phối hợp tương đối chặt chẽ, thường xuyên với Trung tâm để tổ chức triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý trong tố tụng như: Cơ quan điều tra, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ luôn tạo điều kiện cho Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên có thời gian tiếp xúc với bị can, bị cáo, cung cấp đầy đủ các tài liệu có liên quan theo đúng quy định để thực hiện tốt nhiệm vụ trợ giúp pháp lý khi nhận được yêu cầu từ phía người bị tạm giữ, tạm giam, bị can và các đương sự khác. Tại trụ sở các đơn vị, đều xây dựng hòm thư trợ giúp pháp lý và niêm yết công khai Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý… Đối với người bị tạm giữ, bị can hoặc người bị hại thuộc diện được trợ giúp pháp lý, trước khi tiến hành lấy lời khai hoặc hỏi cung bị can, Điều tra viên đều thông báo cho người thực hiện trợ giúp pháp lý về thời gian, địa điểm hỏi cung, ghi lời khai để người bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người bị tạm giữ, tạm giam, đương sự tham gia theo quy định của pháp luật.

 

Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, khi có đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý miễn phí như bị can, bị cáo là người chưa thành niên, là người nghèo, người khuyết tật…Viện kiểm sát Nhân dân hai cấp kiểm sát chặt chẽ việc lấy lời khai, hỏi cung bị can của Cơ quan điều tra, việc xét hỏi tại tòa của Tòa án, đảm bảo phải luôn có Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên chứng kiến việc lấy lời khai, hỏi cung bị can và xét hỏi bị cáo nhằm đảm bảo quyền lợi của những đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý.

 

Đối với Tòa án nhân dân tỉnh đã quán triệt đầy đủ nội dung văn bản về trợ giúp pháp lý đến các đơn vị và cán bộ công chức trong ngành, nhờ đó mỗi cán bộ, Thẩm phán, Thư ký đều hiểu rõ ý nghĩa của công tác trợ giúp pháp lý và ý thức được vai trò của mình đối với công tác này. Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán, Hội thẩm nghiên cứu hồ sơ và Thư ký giải thích cho các bị cáo, các đương sự về quyền và nghĩa vụ của họ theo pháp luật tố tụng, đồng thời giải thích cho họ về quyền được trợ giúp pháp lý và hướng dẫn họ tiếp cận các thông tin về trợ giúp pháp lý. Khi họ có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì cung cấp cho họ mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và hướng dẫn họ viết đơn yêu cầu TGPL, địa chỉ liên lạc của Trung tâm, hướng dẫn họ hoặc người thân thích, người đại diện hợp pháp của họ về thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý.

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì qua 4 năm thực hiện Đề án Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý còn gặp một số khó khăn, hạn chế:

 

Thứ nhất, Một số nội dung của Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý không còn phù hợp Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và thực tiễn tại địa phương, cụ thể:

 

1. Đề án đi theo hướng tăng cường xã hội hóa công tác TGPL bằng việc thu hút sự tham gia của các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư có uy tín, kinh nghiệm thực hiện TGPL. Tuy nhiên, tại địa bàn Hà Tĩnh,đội ngũ Luật sư tham gia công tác TGPL không nhiều, trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ có 6/36 Luật sư ký hợp đồng tham gia trợ giúp pháp lý (chiếm tỷ lệ 17%), có 02 Luật sư của Đoàn luật sư Nghệ An ký hợp đồng tham gia TGPL, trung bình mỗi năm chỉ thực hiện 5% vụ việc TGPL, từ đầu năm 2019 đến nay Luật sư ký hợp đồng tham gia TGPL chỉ tham gia 2/137 vụ việc TGPL do chế độ chi trả cho Luật sư tham gia còn thấp, thủ tục thanh toán rườm rà, mất nhiều thời gian. Một số Luật sư tích cực tham gia thì trình độ chuyên môn hạn chế dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi của người được TGPL, uy tín của tổ chức thực hiện TGPL nên Trung tâm không cử. Khi thời gian tố tụng trùng thì Luật sư thường chọn vụ việc dịch vụ để tham gia dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi đối tượng được TGPL, mối quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng. Bởi vậy, phần lớn các vụ việc TGPL đều do đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý thực hiện.Trong khi đó, theoquy định của Luật TGPLnăm 2017, người thuộc diện được TGPL được mở rộng, dẫn đến diện người được TGPLtrên địa bàn tỉnhHà Tĩnh có số lượng lớn, nhu cầu TGPL ngày càng tăngthì việc tăng cường xã hội hóa công tác TGPL bằng việc thu hút sự tham gia của các tổ chức hành nghề luật sư như Đề án là không phù hợp với quy định của Luật TGPL và thực tiễn triển khai công tác TGPL ở địa bàn Hà Tĩnh nói riêng và các địa phương nói chung.

 

2. Về lộ trình chuyển đổi các Trung tâm thành cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL vào năm 2025 theo quy định của Luật TGPL (sửa đổi), hiện nay Luật TGPL 2017 đã có hiệu lực (từ ngày 01/01/2018), tuy nhiên trong Luật TGPL 2017 không có quy định nào về lộ trình chuyển đổi các Trung tâm thành cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL vào năm 2025, đặc biệt nó không phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước và hoạt động TGPL, do đó các Trung tâm gặp khó khăn, lúng túng trong thực hiện.

 

3. Về việc tinh giản tổ chức, bộ máy và biên chế, bảo đảm tổng biên chế của các Trung tâm trong toàn quốc giảm 15% so với giai đoạn trước khi thực hiện Đề án là không phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương vì theo quy định của Theo quy định của Luật TGPLnăm 2017, người thuộc diện được TGPL được mở rộng, dẫn đến diện người được TGPLtrên địa bàn tỉnhHà Tĩnh có số lượng lớn(chiếm 49,98% dân số trên địa bàn tỉnh),nhu cầu TGPL ngày càng tăng(mỗi năm trung bình Trung tâm thực hiện hơn 1.800 vụ việc)nhưng nguồn nhân lực tại chỗ thực hiện TGPL mỏng chỉ có 14 công chức, viên chức (trong đó có 07 Trợ giúp viên), không có Chi nhánh TGPL tại các huyện, trung bình mỗi Trợ giúp viên thực hiện hơn 260 vụ việc tư vấn, tố tụng/năm, một số vụ việc tham gia tư vấn, tố tụng có tính chất phức tạp phải trải qua nhiều cấp xét xử, giải quyết nên tốn nhiều thời gian của Trợ giúp viên pháp lý. Trong khi đó, các Trợ giúp viên còn phải giải quyết các công việc chuyên môn khác và tham gia quản lý nên việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn.

 

Thứ hai, Một số cơ quan, ban,ngành, đoàn thể, địa phương nhận thứcvề hoạt động TGPL chưa thực sự đầy đủ và chưa tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt độngnàynên các Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên của Trung tâm gặp những khó khăn hạn chế khi thực hiện các hoạt động truyền thông và TGPL tại cơ sở.Việc truyền thông về trợ giúp pháp lý mới những tập trung ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, phức tạp về an ninh trật tự, nhu cầu trợ giúp pháp lý cao chứ chưa thực hiện rộng khắp.

 

Thứ ba,Một vài cơ quan tiến hành tố tụng có tâm lý ngại sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng tham gia TGPL nên khi có người thuộc diện TGPL thì thường không giải thích rõ về quyền và nghĩa vụ của họ nên số lượng vụ việc TGPL trong hoạt động tố tụng tuy đã có xu hướng tăng dần nhưng vẫn còn thấp so với tổng số vụ việc được các cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý và đưa ra xét xử. Trợ giúp pháp lý trong tố tụng đang chú trọng mạnh vào lĩnh vực hình sự, vào bị cáo, bị hại; các vụ việc dân sự, hành chính còn ít, chưa chú ý đến người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

 

Thứ tư,Kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc còn thiếu thốn và hạn chế. Trung tâm hiện có 14 người nhưng chỉ có 05 phòng làm việc, phòng tiếp dân, phòng họp chưa có. Thường xuyên phải thực hiện các hoạt động TGPLtại cơ sở, trung bình hàng năm Trung tâm phải đi đến hơn 140 địa bàn cấp xã, thôn trong toàn tỉnhnhưng đến nay vẫn chưa được cấp xe ô tô để phục vụ hoạt động ở cơ sở, mà phải thuê xe hoặc đi xe máy nên ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động.

 

Những hạn chế nêu trên xuất phát từ những nguyên nhân như: về mặt thể chế, chính sách, chức danh Trợ giúp viên pháp lý còn rất mới trong nhận thức của người dân, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế về người thực hiện TGPL phải là Luật sư, dẫn tới sự nhìn nhận khác nhau giữa Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư; các văn bản trợ giúp pháp lý đã quy định sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với Trung tâm TGPL ở các địa phương trong việc giải thích quyền được TGPL đối người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, các đương sự khác trong vụ án và giới thiệu đến Trung tâm để yêu cầu TGPL, tuy nhiên số vụ việc TGPL trong tố tụng các cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu đến còn ít; mức kinh phí cấp cho Trung tâm vẫn còn thấp; Đề án đổi mới công tác TGPL có nhiều nội dung không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn.

 

Để công tác trợ giúp pháp lý trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đạt được kết quả cao hơn, trong thời gian tới cầntập trung thực hiện một số giải pháp sau:

 

Thứ nhất là, Để phù hợp với với Luật TGPL 2017 và tình hình thực tiễn ở các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ thì Bộ Tư pháp cần sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Đề án với mục tiêu tạo bước chuyển biến căn bản, đột phá trong việc nâng cao chất lượng, chuyên nghiệp hóa hoạt động TGPL đáp ứng yêu cầu cải cách Tư pháp, cải cách hành chính xây dựng nhà nước pháp quyền hội nhập kinh tế, quốc tế. Tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu, cơ chế đảm bảo quyền được TGPL, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL làm trọng tâm tránh bỏ sót người thuộc diện được TGPL khi họ cần giúp đỡ pháp lý, tạo cơ chế linh hoạt hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác TGPL, lực lượng Trợ giúp viên pháp lý làm nòng cốt thực hiện TGPL, Trung tâm TGPL là đơn vị điều phối, thực hiện hoạt động TGPL tại các địa phương.

 

Thứ hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luậtvề công tác TGPL với các hình thức phù hợp, nhằm nâng cao nhận thức cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò của công tác TGPL đối với đời sống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách, yếu thế và có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

 

Thứ ba là,phát huy trách nhiệm, tính chủ động của các thành viên Hội đồng phối hợp liên ngànhtrong công tác trợ giúp pháp lý. Tăng cường phối hợp thông tin giữa Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh với các cơ quan tiến hành tố tụng từ tỉnh đến huyện trong việc giới thiệu hoặc đề nghị cử người tham gia để đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý một cách nhanh chóng, kịp thời. 

 

Thứ tư là,tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, kinh nghiệm giải quyết vụ việc cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý qua đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, nhất là kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa cho các Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên để nâng cao kỹ năng tham gia tố tụng; thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm giữa các Trợ giúp viên pháp lý và giữa Trợ giúp viên pháp lý với các Luật sư có nhiều kinh nghiệm.

 

Thứ năm là, quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, bảo đảm trang thiết bị, phương tiện làm việc thiết yếu cho công tác TGPL. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TGPL, triển khai áp dụng hệ thống quản lý hoạt động TGPL.

 

Thứ sáu là, Bộ Tư pháp cần phối hợp với Bộ Nội vụ sửa đổi Thông tư Thông tư số 08/2008/TTLT-BTP-BNV ngày 07/11/2008 của liên bộ Tư pháp, Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và biên chế của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước để tổ chức thực hiện hiệu quả trên toàn quốc. Vì Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm so với trước đâyTuy nhiên, đến nay, Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về tổ chức và biên chế của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thay thế Thông tư số 08/2008/TTLT-BTP-BNV ngày 07/11/2008 của liên bộ Tư pháp, Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và biên chế của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước. Do đó, Trung tâm vẫn còn lúng túng trong việc thực hiện một số quy định của Luật Trợ giúp pháp lý vềchức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của mình.

 

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về nhân lực cũng như cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động nhưng bám sát các kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm đề ra với quyết tâm cao, đổi mới trong hoạt động, thực hiện đi cùng và giải quyết những vướng mắc pháp luật của người dân, công tác trợ giúp pháp lý ở Hà Tĩnh đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình và thực sự “bám rễ”trong đời sống pháp luật được Nhân dân tỉnh nhà đồng tình ủng hộ, tin cậy, được Cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận, đánh giá cao. Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hà Tĩnh luôn luôn là địa chỉ đáng tin cậy là chỗ dựa vững chắc những cho những người có hoàn cảnh yếu thế trong xã hội./.

 

Ths. Nguyễn Quốc Tuấn

Giám đốcTrung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh

 TIN TỨC LIÊN QUAN