MỘT SỐ KẾT QUẢ CÔNG TÁC THEO DÕI TÌNH HÌNH THI HÀNH PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC TRỌNG TÂM NĂM 2017

Sau khi Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 108/QĐ-BTP ngày 23/01/2017 về Kế hoạch TDTHTHPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành và lĩnh vực trọng tâm của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương kịp thời ban hành Kế hoạch TDTHTHPL năm 2017 xác định lĩnh vực trọng tâm là hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 197/KH-STP triển khai thực hiện các hoạt động nâng cao chất lượng, hiệu quả TDTHTHPL trong lĩnh vực này,trong đó tập trung theo dõi tình hình thi hành các quy định của pháp luật về tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong việc tiếp cận, khai thác các nguồn lực về vốn, khoa học kỹ thuật, đất đai và lao động. Để hỗ trợ các cơ quan, đơn vị cũng như các doanh nghiệp trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của tỉnh, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, xây dựng danh mục văn bản quy phạm pháp luật gồm 06 Nghị quyết của HĐND tỉnh, 15 Quyết định của UBND tỉnh có nội dung liên quan lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp gửi địa phương và các tổ chức có liên quan để phổ biến, quán triệt kịp thời. Bên cạnh đó, công tác phổ biến, tuyên truyền, tập huấn pháp luật về doanh nghiệp khởi nghiệp cũng được chú trọng, qua đó góp phần nâng cao ý thức pháp luật, khả năng tiếp cận cũng như tìm hiểu và áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Qua theo dõi cho thấy, các sở, ban, ngành đã kịp thời tham mưu ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành trong lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND tỉnh ban hành về các lĩnh vực liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp có nội dung thống nhất, đồng bộ với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Trung ương; cơ bản cụ thể hóa các quy định, chính sách hỗ trợ theo đúng tinh thần và chủ trương của các cơ quan nhà nước cấp trên.Nhìn chung các chính sách tại các văn bản có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ dân trí, quy định rõ ràng, cụ thể thuận tiện cho quá trình áp dụng văn bản. Nhờ đó đã có tác động thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trong các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công ngày càng hiệu quả, phát triển trọng tâm, trọng điểm kinh tế - xã hội. Theo Nghị quyết số 88/2014/NQ-HĐND ngày 16/7/2014 quy định một số chính sách hỗ trợ đăng ký thành lập mới hộ kinh doanh và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thì: doanh nghiệp thành lập mới được hỗ trợ 100% lệ phí đăng ký doanh nghiệp; 100% phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp; 100% chi phí khắc con dấu doanh nghiệp (mức giá con dấu do Sở Tài chính quy định); Hỗ trợ chi phí làm biển hiệu: 500.000 đồng; Hỗ trợ phần mềm kế toán doanh nghiệp: 2.000.000 đồng/doanh nghiệp; Hỗ trợ 100% thuế môn bài cho các doanh nghiệp thành lập mới trong năm đầu hoạt động…Đến nay, Sở Tài chính đã thực hiện cấp phát đầy đủ, kịp thời phí đăng ký kinh doanh, công bố nội dung đăng ký kinh doanh, thuế môn bài, phí khắc dấu và phần mềm kế toán, biển hiệu cho doanh nghiệp thành lập mới với tổng số tiền 3.852.500.000 đồng.Hệ thống ngân hàng thương mại đã triển khai các gói tín dụng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp với 21.0000 tỷ đồng cho vay lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành cũng tích cực thực hiện các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về thủ tục hành chính, về tiếp cận, khai thác các nguồn lực về khoa học kỹ thuật, về nhân lực, đất đai…

Đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Sở Tư pháp đã tổ chức khảo sát mức độ tiếp cận thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Qua đó, cung cấp kịp thời các thông tin, chính sách, văn bản pháp luật, các đơn vị đã xây dựng chuyên trang hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và thực hiện cập nhật kịp thời, thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật, chủ trương, chính sách của tỉnh trên Cổng thông tin điện tử và Trang thông tin điện tử của đơn vị mình. Bên cạnh đó, đã xuất bản 7.000 cuốn Tài liệu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp về các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và theo định kỳ hàng tháng Sở Tư pháp đều xuất bản 500 tờ Thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Ngoài ra, được sự quan tâm hỗ trợ của Ban Quản lý chương trình 585 - Bộ Tư pháp, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp tổ chức các lớp bồi dưỡng, tọa đàm dành cho doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trong thời gian qua, đã tổ chức lớp bồi dưỡng dành cho doanh nghiệp với chuyên đề “pháp luật về thuế liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”; “pháp luật về môi trường đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”; “pháp luật về lao động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”. Đồng thời, tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm về nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến doanh nghiệp như “Tọa đàm trao đổi chính sách pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp”. Thông qua đó đã giúp cho các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị có liên quan nắm rõ hơn về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh, cũng như các kinh nghiệm, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động và phát triển ngày càng hiệu quả, bền vững.

Mặc dù đạt được một số kết quả khả quan, tuy nhiên bên cạnh đó công tác này còn gặp những khó khăn, hạn chế như: Pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp là hoạt động còn mới tiếp cận, cán bộ công chức TDTHTHPL còn bỡ ngỡ nên hiệu quả hoạt động chưa đạt theo yêu cầu, chưa có điều kiện và thời gian để đi sâu đối với từng doanh nghiệp khởi nghiệp để nắm bắt tình hình và tư vấn pháp lý;Số lượng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp quá nhiều, lại thường xuyên thay đổi nên việc cập nhật, nắm bắt để phổ biến, tuyên truyền và hỗ trợ doanh nghiệp chưa được thường xuyên, liên tục; Một số quy định trong văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp còn chồng chéo, trùng lặp gây khó khăn cho quá trình áp dụng, thực thi pháp luật;Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước vẫn còn những hạn chế; Vai trò của các hội, hiệp hội trong việc làm cầu nối, hỗ trợ thông tin, đưa chính sách đến với doanh nghiệp chưa rõ nét; Hầu hết các doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh quy mô nhỏ, quản trị doanh nghiệp yếu, nặng tính chất gia đình…

Để nâng cao hiệu quả TDTHTHPL trong lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, trong thời gian tới xin đưa ra một số giải pháp sau:

Thứ nhất, về hoàn thiện thể chế, pháp luật

- Tổ chức rà soát các chính sách, đẩy mạnh việc sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản không còn phù hợp; nâng cao trình độ hiểu biết và thi hành pháp luật của đội ngũ công chức quản lý nhà nước có liên quan trực tiếp đối với doanh nghiệp tư nhân; thay đổi tư duy quản lý sang trách nhiệm phục vụ, hướng dẫn doanh nghiệp phát triển, nâng cao trách nhiệm của công chức, đảm bảo cho các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương thực sự là chỗ dựa vững chắc, là người trợ giúp thật hiệu quả đối với doanh nghiệp;

- Các cơ quan, đơn vị tập trung nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, cơ chế chính sách; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức liêm chính trong phục vụ nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ hai, về các điều kiện bảo đảm

- Tiếp tục chú trọng công tác tạo dựng môi trường thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đẩy mạnh rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; tăng tính liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng số lượng thủ tục hành chính được giải quyết tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp; giảm tỷ lệ trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trễ hẹn;

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, đặc biệt phát huy vai trò trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp;

- Tăng cường hợp tác, tham vấn, đối thoại giữa các hiệp hội doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước; tạo điều kiện cho các doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp tham gia vào việc xây dựng, triển khai các quy hoạch phát triển kinh tế vùng và địa phương;

- Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân; chỉ đạo tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp;

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tham mưu về TDTHTHPL; thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong triển khai nhiệm vụ này;

- Phát huy vai trò, hiệu quả của các hội, hiệp hội trong việc làm cầu nối giữa các doanh nghiệp với cơ quan nhà nước, tiếp nhận tổng hợp ý kiến cũng như khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình thành lập và hoạt động;

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, pháp luật về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Kịp thời đưa tin về những mô hình tốt, cách làm hay cũng như những sai phạm, tồn tại, hạn chế trong thực thi chính sách, pháp luật./.

Thanh Hoa

 TIN TỨC LIÊN QUAN