MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN QUY ĐỊNH VỀ THANH TRA CHUYÊN NGÀNH
Về đặc điểm của thanh tra chuyên ngành như sau:
Thứ nhất,là hoạt động thanh tra do các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tiến hành, như Bộ, Sở, Thanh tra bộ, Thanh tra sở, cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành (Tổng cục, Cục thuộc bộ, Chi cục thuộc sở).
Thứ hai, đối tượng thanh tra chuyên ngành là mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành.
Thứ ba,nội dung của thanh tra chuyên ngành là xem xét, đánh giá việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn, kỹ thuật, qui tắc quản lý của ngành, lĩnh vực. Khi xem xét, các cơ quan tiến hành có quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.
Xuất phát từ đó, Luật Thanh tra đã quy định cụ thể về thẩm quyền ra quyết định thanh tra; nội dung quyết định thanh tra; nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra, thanh tra viên… Cụ thể như sau:
Để bảo đảm tính nhanh nhạy, kịp thời, linh hoạt và đa dạng, đồng thời hạn chế sự tùy tiện trong hoạt động thanh tra chuyên ngành, Điều 51 Luật thanh tra đã quy định cụ thể về thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành và phân công Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra độc lập như sau:
Chánh thanh tra bộ, Chánh thanh tra sở, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện quyết định thanh tra. Khi xét thấy cần thiết, Bộ trưởng, Giám đốc sở ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra.
Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra độc lập theo sự phân công của Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Trong trường hợp phân công Thanh tra viên, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh tra độc lập thì Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành phải xác định rõ phạm vi, nhiệm vụ, thời hạn tiến hành thanh tra.
Khi tiến hành thanh tra độc lập, Thanh tra viên phải xuất trình thẻ thanh tra, người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành phải xuất trình thẻ công chức.
Nội dung quyết định thanh tra chuyên ngành được quy định tại Điều 52, trong đó khi ban hành quyết định thanh tra chuyên ngành, người ra quyết định phải ghi rõ các nội dung sau: Căn cứ pháp lý để thanh tra; Phạm vi, đối tượng, nội dung, nhiệm vụ thanh tra; Thời hạn thanh tra; Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên và các thành viên khác của đoàn thanh tra…
Về nhiệm vụ, quyền hạn của những người tiến hành thanh tra chuyên ngành thì:
Đối với Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành: Trong quá trình thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 53 của Luật Thanh tra. So với quy định hiện hành thì Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành được bổ sung thêm yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra. Ngoài ra, Điều 53 tiếp tục ghi nhận những quyền hạn, nhiệm vụ riêng của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành và quy định rõ những quyền hạn, nhiệm vụ khác được thực hiện như Trưởng đoàn thanh tra hành chính. Cách thể hiện này bảo đảm tính thống nhất, cụ thể, rõ ràng và dễ thực hiện.
Đối với thành viên Đoàn thanh tra, Thanh tra viên người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, người ra quyết định thanh tra chuyên ngành thì:.Khi tiến hành thanh tra theo đoàn, thành viên Đoàn thanh tra, Thanh tra viên người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành có nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 54 của Luật Thanh tra.
Khi tiến hành thanh tra độc lập, thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành có nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật Thanh tra.
Nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra chuyên ngành được quy định tại Điều 55 của Luật thanh tra.
Về thời hạn thanh tra, thời hạn gửi quyết định thanh tra, thời hạn công bố quyết định thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra chuyên ngành thì:
Luật thanh tra năm 2010 đã lựa chọn những vấn đề giống nhau để điều chỉnh chung cho các loại thanh tra chuyên ngành, còn nội dung mang tính đặc thù, chuyên sâu sẽ do văn bản dưới Luật hướng dẫn. Vì thế, Điều 56 Luật thanh tra quy định: Thời hạn thanh tra, thời hạn gửi quyết định thanh tra, thời hạn kể từ ngày ký quyết định thanh tra đến ngày công bố quyết định thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra chuyên ngành do Chính phủ quy định.
Về quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra thì: Quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra được quy định tại Điều 57 và Điều 58 của Luật thanh tra. Về cơ bản, quyền và nghĩa vụ này được kế thừa từ Luật Thanh tra năm 2004 như: quyền giải trình những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra; khiếu nại về quyết định, hành vi của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên…; và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Việc quy định khiếu nại quyết định xử lý về thanh tra được hiểu là khiếu nại đối với các quyết định xử lý của Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, Trưởng đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình tiến hành thanh tra hoặc sau thanh tra. Đối tượng thanh tra không có quyền khiếu nại quyết định thanh tra, vì hoạt động thanh tra là một khâu của quá trình quản lý nhà nước, quyết định thanh tra nhằm thực hiện quyền quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân thuộc quyền quản lý của mình. Ngoài ra, cá nhân là đối tượng thanh tra có quyền tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật về tố cáo. Bên cạnh đó, đối tượng thanh tra có nghĩa vụ: chấp hành quyết định thanh tra một cách nghiêm túc, đầy đủ; cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của người tiến hành thanh tra…; thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kết luận thanh tra, quyết định xử lý của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra và cơ quan nhà nước có thẩm quyền…
Để thực hiện tốt nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành theo quy định trên, hằng năm Sở Tư pháp đã triển khai bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền, phổ biến các Văn bản liên quan đến công tác thanh tra chuyên ngành; ban hành các Kế hoạch triển khai công tác thanh tra theo quy định; tổ chức các đoàn thanh tra…thực hiện đồng bộ các giải pháp trên nhằm góp phần quan trọng phục vụ công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động ngành Tư pháp tỉnh nhà./.