Một số điểm mới của Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015 (Tiếp theo)

       

 

        7. Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản pháp luật của một số cơ quan, người có thẩm quyền.

      Theo quy định của Luật, quy trình xây dựng, ban hành văn bản pháp luật của một số cơ quan, người có thẩm quyền đã được đổi mới so với Luật hiện hành, ví dụ: quy trình xây dựng, ban hành: quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; nghị quyết liên tịch,...Đặc biệt, liên quan tới địa phương có sự đổi mới quy trình xây dựng, ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện. Hiện nay, quy trình xây dựng, ban hành nghị quyết của cơ quan này bao gồm các bước: soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến, thẩm tra. Nay, theo quy định mới, dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện sẽ phải qua thẩm định của phòng Tư pháp, cụ thể tại khoản 1 điều 134 của Luật quy định: “Phòng Tư pháp có trách nhiệm thẩm định dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp huyện.Chậm nhất là 10 ngày trước ngày Ủy ban nhân dân họp, cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện đến Phòng Tư pháp để thẩm định”.

       Thời gian lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện cũng được tăng lên, cụ thể thời gian để các cơ quan, tổ chức hữu quan được lấy ý kiến trả lời bằng văn bản tăng từ 03 ngày lên 07 ngày; thời gian các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của nghị quyết trả lời tăng từ 05 ngày lên 07 ngày.

      8. Về việc ban hành văn bản quy định chi tiết

      Để nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo cũng như khắc phục tình trạng nợ, đọng văn bản quy định chi tiết, Luật năm 2015 bổ sung nhiều quy định mới như:

      Quy định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết. Cơ quan, người có thẩm quyền chịu trách nhiệm về việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước. (Khoản 6 điều 7)

      Dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết. (Khoản 1 điều 11)

      9. Về hiệu lực của văn bản QPPL

       a. Về hiệu lực trở về trước

          Hiệu lực trở về trước của văn bản QPPL đã được quy định trong Luật ban hành văn bản QPPL năm 2008 và Luật ban hành văn bản QPPL HĐND, UBND nhưng chưa cụ thể. Khắc phục điều đó, Luật năm 2015 đã quy định cụ thể hơn các trường hợp văn bản QPPL được quy định hiệu lực trở về trước. Theo đó, điều 152 của Luật quy định chỉ văn bản QPPL của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước và cũng chỉ được quy định hiệu lực trở về trước trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội. Đối với văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt thì không được quy định hiệu lực trở về trước.

          b. Ngưng hiệu lực văn bản QPPL

          So với Luật năm 2008, ngoài trường hợp văn bản QPPL bị ngưng hiệu lực do bị đình chỉ thi hành, Luật mới bổ sung trường hợp ngưng hiệu lực văn bản pháp luật trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản đó quyết định ngưng hiệu lực trong một thời hạn nhất định để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định rõ thời hạn đăng Công báo, đưa tin về quyết định văn bản ngưng hiệu lực, đình chỉ việc thi hành, xử lý văn bản pháp luật chậm nhất sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.

          c. Các trường hợp văn bản QPPL hết hiệu lực

        Các trường hợp văn bản QPPL hết hiệu lực được quy định trên cơ sở kế thừa Luật năm 2008 và Luật năm 2004, cụ thể là bao gồm các trường hợp: Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản; Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó; Bị bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

       Ngoài ra, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và nâng cao trách nhiệm của cơ quan trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết, Luật đã bổ sung một khoản mới quy định về việc hết hiệu lực của văn bản quy định chi tiết. Theo đó, “văn bản QPPL hết hiệu lực thì văn bản QPPL quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”./.

 

Kim Lân

 TIN TỨC LIÊN QUAN