Nên quy định “Quyền im lặng” trong Dự thảo sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003
Sau 11 năm thi hành, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã đưa lại nhiều thành quả to lớn cho hoạt động tố tụng hình sự (TTHS), góp phần tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, trước sự phát triển kinh tế-xã hội và yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, Bộ luật cần phải được sửa đổi cho phù hợp.
Trong lần sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự này việc quy định quyền im lặng của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hiện đang có 2 luồng ý kiến:
- Luồng ý kiến thứ nhất: đề nghị cần giữ cách quy định như BLTTHS hiện hành “người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, đưa ra ý kiến”. Việc trình bày lời khai, đưa ra ý kiến được quy định là quyền mà không phải là nghĩa vụ của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, do đó, họ có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền này.
- Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, để phù hợp với yêu cầu mới của Hiến pháp, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân, cần sửa BLTTHS theo hướng người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền im lặng. Tuy nhiên, về kỹ thuật lập pháp cần thể hiện để phù hợp với văn phong pháp lý.
Trước yêu cầu cải cách tư pháp, theo tôi nên đưa quy định này vào trong dự thảo sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 (đồng tình với ý kiến thứ 2) bởi các lý do:
Thứ nhất, quy định quyền im lặng của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoàn toàn phù hợp với yêu cầu mới của hiến pháp năm 2013. Khoản 4, Điều 31 Hiến pháp năm 2013 có quy định như sau: Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Vì vậy, đưa quy định “Quyền im lặng” vào Bộ luật Tố tụng hình là sự bảo đảm đối với quyền con người, quyền công dân.
Thứ hai,pháp luật Tố tụng Hình sự nước ta đã gián tiếp ghi nhận “Quyền im lặng” của bị can, bị cáo và được thể hiện tại các Điều 10, 48, 49, 50 của BLTTHS năm 2003. Qua qua các Điều này chúng ta hiểu trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tố tụng, bị can có quyền trình bày lời khai, bị cáo có quyền nhờ người bào chữa trình bày ý kiến tranh luận tại tòa, pháp luật không bắt buộc bị can, bị cáo có nghĩa vụ khai báo.
Thứ ba,khi bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị can bị cáo thường có tâm lý hoang mang lo sợ nên trình bày sự việc không được chính xác, có trường hợp hành vi mình không thực hiện thì thừa nhận, còn những hành vi mình đã thực hiện thì không thừa nhận, hoặc là khai báo theo định hướng của Điều tra viên, mà như chúng ta biết những lời khai ban đầu thường rất có ý nghĩa trong việc xác minh sự thật của vụ án. Nếu như người bị bắt, bị tạm giam, bị can, bị cáo có “Quyền được im lặng” chờ có người bào chữa tới thì chắc chắn người bị bắt, bị giam, bị tạm giữ sẽ ổn định tinh thần và khi có sự trao đổi với người bảo vệ cho mình thì họ sẽ biết trình bày như thế nào để bảo vệ được quyền lợi của chính mình. Hơn nữa quyền được giữ im lặng của người bị bắt, bị tạm giam, tạm giữ, bị can, bị cáo được bổ sung sẻ hạn chế được việc oan sai do mớm cung, bức cung, nhục hình và khi viêc mớm cung, bức cung không còn thì sẻ giảm được án oan, án sai, nhà nước cũng tiết kiệm được ngân sách do không phải bồi thường oan sai.
Thứ tư, quy định “Quyền im lặng” của người bị bắt, người bị tạm giam, tạm giữ, bị can, bị cáo không phải là tạo thêm rào cản cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử mà có thể giúp cơ quan này hoàn thành nhiệm vụ đươc giao. Đối với một số vụ án lớn, có tính chất nghiêm trọng cho xã hội, người bị bắt, bị tam giữ, tạm giam thường không hợp tác với Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, nhưng họ lại rất hợp tác với người bào chữa. Qua nhận thông tin nếu xét thấy các hành vi đã diễn ra hoặc sắp diễn ra sẽ xâm hại lớn đến quyền, lợi lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhận thì với tư cách là người bào chữa họ sẽ khuyên thân chủ của mình khai báo thành khẩn để hưởng sự khoan hồng. Nếu thân chủ không thực hiện khai báo, khi đó với tư cách là một công dân họ sẽ thực hiện quyền tố giác tội phạm mà không vi phạm nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, giúp cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Lúc đó người bào chữa là cánh tay nối dài của Điểu tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán.
Thứ năm,quy định “Quyền im lặng” của người bị bắt, người bị tạm giam, tạm giữ, bị can, bị cáo sẽ góp phần tích cực vào việc nâng cao nghiệp vụ điều tra, truy tố, xét xử của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán. Đồng thời cũng nâng cao vị trí, vai trò của Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý bào chữa trong các vụ án hình sự. Hiện nay do nhiều nguyên nhân khác nhau nên vai trò của Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý chưa được thể hiện một cách đầy đủ. Nếu áp dụng “Quyền im lặng” của người bị bắt, người bị tạm giam, tạm giữ, bị can, bị cáo, chắc chắn thực tế này sẽ được cải thiện, Luật sư, trợ giúp viên pháp lý sẽ chủ động phát huy hết trình độ cũng như năng lực của mình, không còn lo ngại lời khai của thân chủ trái hoặc không phù hợp với lời khai trong giai đoạn điều tra với lời khai tại phiên tòa.
Thứ sáu, phần lớn các nước trên thế giới đã và đang áp dụng “Quyền im lặng” và thực tế quy định này đã mang lại nhiều hiệu quả. Đây cũng là điều nước ta cần lưu ý khi xây dựng Bộ Luật này..
Hi vọng rằng Bộ luật Tố tụng Hình sự lần này sẽ được sửa đổi một cách cơ bản, thế chế hóa đầy đủ, đúng đắn chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Hiến pháp năm 2013, góp phần tích cực trong đấu tranh phòng chống tội phạm, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, xây dựng vững chắc hệ thống pháp luật trong việc bảo vệ công lý, quyền con người./.
Đinh Hiền